VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Commentaries

HTML

1498

Total

450

Share

The lost men in Missing Person






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

For the Nobel Literature Prize being rewarded to him in 2014, Patrick Modiano is among the most popular French novelists allover the world. In Vietnam, many books of his have been translated and published, especially since the year of his Nobel Prize, leading to many reviews and comments in newspapers and social networks. In addition, his novels have been interesting subjects to many studies in universities. However, we tend to pay more attention to his ``art of memory'' and his obvious obsession to history, memories, identities, the feeling of loss, etc. without paying attention to the loss itself, which makes it hard to deeply understand both his works and his world. In this article, we try to examine the loss in one of his most well-known novels, Missing Person (original Rue des Boutiques Obscures in French, which brought him the Goncourt Prize in 1978), to get a thorough understanding of this theme in his writings. By examining the characters and their being lost in Missing Person in terms of memory, language and nationality as well as seeing their state in the relations to cultural and historic events then (in the Occupation and about ten years later in France), we try not only to completely depict their loss but also to get things clearly explained. From the lost men in Missing Person, we also expect to point out humans' close connections to their community, their mother tongue language and their nation, showing how vulnerable they are through historic events. From this point of view, Modiano's missing person is a victim of history – just like many refugees today. Therefore, his writings not only are something from the past, not only belong to the past, but also are attached to our present and towards the future.

DẪN NHẬP

Patrick Modiano - nhà văn của ký ức và những ám ảnh về thất lạc hay biến mất - đã trở thành một cái tên quen thuộc trên văn đàn thế giới lẫn Việt Nam, đặc biệt kể từ khi ông nhận giải thưởng Nobel Văn chương 2014. Cùng với tác phẩm đầu tay Quảng trường Ngôi Sao , Phố của những cửa hiệu u tối là tác phẩm quan trọng giúp ông nhận giải thưởng Goncourt danh giá năm 1978, trước khi ông nhận giải Nobel cho sự nghiệp văn chương của mình. Có gì đó thật lạ lùng khi một nhà văn dường như chỉ viết đi viết lại về một đoạn quá khứ duy nhất lại được quan tâm đến thế, trong khi nhân loại luôn khát khao bước về phía trước? Và khi tiếp cận Phố của những cửa hiệu u tối (tựa đề này trong bản dịch tiếng Việt được giữ sát với bản gốc tiếng Pháp là Rue des Boutiques Obscures , nhưng trong bản tiếng Anh tác phẩm đã trở thành Missing Person - “người mất tích”) , một tiểu thuyết với hình tượng nhân vật mất trí vốn thường xuyên lặp lại trong các sáng tác của Modiano, vấn đề nổi bật cần quan tâm không chỉ là kiểu con người quẩn quanh tìm kiếm một danh tính, một căn cước hay một ký ức thất lạc, mà còn là con người ấy rốt cục đã thất lạc những gì và thất lạc như thế nào, và bằng cách nào tình trạng thất lạc ấy chạm đến độc giả hôm nay. Đó là những vấn đề mà chúng tôi mong muốn làm sáng tỏ thông qua bài viết này, qua đó góp thêm một cách hiểu đối với hệ chủ đề trong sáng tác của Patrick Modiano cũng như mối liên hệ giữa phần quá khứ mà ông không ngừng thăm dò, bóc tách và phơi bày với tồn tại ngày hôm nay của nhân loại.

NỘI DUNG

Patrick Modiano - nhà văn của nỗi ám ảnh lạc loài

Patrick Modiano sinh năm 1945 tại Boulogne-Billancourt, ngoại ô Paris. Ông là một người Pháp gốc Do Thái, có cha là một tay chợ đen suốt đời phiêu bạt, từng làm việc cho phe Cộng tác ở Pháp thời bấy giờ và mẹ là một diễn viên thường xuyên rong ruổi, để tuổi thơ ông phải sớm quen với việc được gửi nhờ ở nhà người quen hay luân chuyển liên tục từ ký túc xá này sang ký túc xá khác. Người em trai thân thiết Rudy mất năm 1957, khi ông mười hai tuổi. Đấy chỉ là những thông tin cơ bản nhất về một con người, nhưng riêng với Patrick Modiano, ngần ấy thông tin đủ cho độc giả hình dung một cách sống động về hoàn cảnh kỳ lạ đã để lại dấu ấn sâu sắc trong quan niệm về cuộc đời và nghệ thuật của ông.

Đầu tiên là câu chuyện thời gian. Năm 1945, Paris được giải phóng khỏi phát xít Đức, chính thức kết thúc thời kỳ Chiếm đóng - một thất bại không thể phủ nhận, một khoảng tối thảm đạm trong lịch sử rực rỡ của kinh đô ánh sáng hoa lệ cũng như của đất nước Pháp đầy kiêu hãnh. Cha mẹ ông - một tay chợ đen chuyên làm những công việc mờ ám và một nữ diễn viên rày đây mai đó - có lẽ đã gặp nhau giữa bóng tối giờ giới nghiêm thời Chiếm đóng? Được sinh ra giữa Paris của cái giấc mơ xấu ấy, niềm vui chào đời gắn với một vết đen, những con người như Modiano mang một kiểu “tội tổ tông”, một dạng tiền ký ức nặng nề - rằng có phải mình ra đời nhờ những “cuộc gặp gỡ xấu”? Chính Modiano đã chia sẻ như thế trong diễn từ nhận giải Nobel 2014 tại Viện Hàn lâm Thụy Điển 1 .

Patrick Modiano là người gốc Do Thái. Thêm một dấu triện nữa đóng lên cuộc đời và thế giới quan khi ông là thành viên của một cộng đồng thiểu số, liên tục phải chui nhủi trốn chạy, từng phải chối bỏ nguồn gốc, từng là nạn nhân của nạn diệt chủng kinh hoàng bậc nhất trong lịch sử nhân loại.

Cha ông, Alberto Modiano lớn lên ở Paris nhưng dòng họ Modiano lại có tổ tiên từ vùng Tuscany (Ý) và ông, Patrick, hiểu theo một cách nào đấy, cũng là một kẻ bị bứt khỏi mảnh đất quê hương mình. Có lẽ chính tình trạng chơ vơ “mất gốc” đã tạo nên nơi ông nỗi ám ảnh thường trực về vấn đề nguồn cội và bản thể, để “ các nhân vật của ông luôn day dứt tìm lại nỗi đau quá khứ, thậm chí, đôi lúc người đọc cảm giác như đó chính là sự hiện hữu của bản thân tác giả.2 Và ở Paris, gia đình Modiano với cuộc sống bấp bênh đã khiến cho đứa trẻ Patrick sớm mang lấy cuộc sống lang thang, từ nhà người quen này đến ký túc xá khác, mà rất nhiều khi không thể hiểu được tại sao mình ở đó... Định mệnh dường như quyết chọn cho Patrick Modiano phần đơn độc, không thuộc về một đám đông nào - một con người sinh ra trong bóng tối của kinh đô ánh sáng, trong chặng trầm của lịch sử nước Pháp, trong cộng đồng Do Thái thiểu số giữa châu Âu, trong một gia đình hầu như không có sự gắn bó, người em trai thân thiết Rudy mất từ thuở thiếu thời... Từ tất cả những nghiệt ngã đó, các mối bận tâm về lịch sử, bản thể, lạc loài và lãng quên trở thành chủ đề xuyên suốt trong sáng tác của Patrick Modiano, khiến mỗi tác phẩm trở thành một cuộc kiếm tìm đầy uẩn khúc.

Với Patrick Modiano, sáng tác là một nỗ lực vừa để thăm dò quá khứ bí ẩn vừa để định vị được bản thể của mình trong dòng chảy lịch sử. Nhà văn dường như không quan tâm lắm đến vấn đề kỹ thuật, mà chú trọng hơn vào việc chộp bắt những khoảnh khắc tồn tại của nhân vật của mình. Bằng sự xuất hiện lặp đi lặp lại những nhân vật, tình tiết và địa điểm trong nhiều tác phẩm, sáng tác của Modiano mang đến cho độc giả cảm giác về một bản giao hưởng nhiều chương đang tấu lên cuộc hành trình miên viễn giải mã những bí ẩn trong tồn tại con người.

Sáng tác của Patrick Modiano gắn với các chủ đề chính là danh tính, căn cước và sự biến mất, ký ức và lãng quên. Hẳn nhiên, đây là những đề tài muôn thuở của văn chương; tuy nhiên, nét đặc sắc của Modiano là đã nắm bắt hiện tượng trong sự mịt mờ của nó, khiến Viện Hàn lâm Thụy Điển đánh giá rằng với nghệ thuật của ký ức, ông đã tái hiện những số phận khó nắm bắt nhất và khám phá thế giới - cuộc sống trong sự chiếm đóng. Còn với chính Modiano, ông cho rằng, “ đó là thiên chức của nhà viết tiểu thuyết, trước cái trang giấy trắng mênh mông của lãng quên để làm bật dậy vài lời đã nửa phần bị bôi xóa, như những tảng băng sơn lạc loài trôi giạt trên bề mặt của biển cả 1 .

Tiểu thuyết Phố của những cửa hiệu u tối là hành trình tìm kiếm một số phận khó nắm bắt và để làm bật dậy vài lời đã nửa phần bị bôi xóa như thế. Vị thám tử tư Guy Roland, vì một lý do bí ẩn nào đó đã đột ngột mất đi ký ức từ mười năm trước đây và phải sống trong một thân phận giả - tên giả, căn cước giả, hộ chiếu giả..., giờ quyết tâm tìm lại ký ức và cả bản thể đã lạc mất của mình. Trên con đường lần theo những chỉ dẫn mơ hồ, Guy đã gặp rất nhiều người cùng hoàn cảnh - những người thể không xác định được bằng giấy tờ tùy thân, lưu vong từ nhiều đất nước và muốn lưu vong sang những đất nước khác... Hiện lên trong tác phẩm không phải là một thân phận hay một cuộc đời nào trọn vẹn, mà là những lát cắt, những mảnh vỡ, những điểm giao nhau ngắn ngủi mà ở đó, con người khắc khoải nhận ra tình trạng thất lạc của mình - họ lạc mất quá khứ, lạc mất quê hương và lạc mất cả chính mình. Phố của những cửa hiệu u tối được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của Patrick Modiano, giúp nhà văn giành được giải thưởng Goncourt - giải thưởng văn học quan trọng nhất của Pháp (1978).

Phố của những cửa hiệu u tối & con người giữa muôn chiều thất lạc

Thất lạc về ngôn ngữ

Là một thành tựu vĩ đại trong hành trình tiến hóa của loài người, ngôn ngữ vừa là cầu nối, vừa là rào cản trong tồn tại nhân loại. Những cộng đồng nhìn nhận nhau và kết nối với nhau trước hết bằng ngôn ngữ. Riêng với cộng đồng người, tên họ là một trong những sự phản ánh rõ nét nhất tính chất ràng buộc của ngôn ngữ. Nếu phần họ là một dấu triện của quá khứ đóng lên mỗi con người, là sợi dây nối kết người đó với các thế hệ đi trước thì cái tên lại là một sở hữu riêng, và “gọi tên” một người là hành động đầu tiên cơ bản nhất thể hiện sự nhìn nhận đối với người đó. Triết gia hậu hiện đại Pháp Jean-François Lyotard trong công trình Hoàn cảnh hậu hiện đại đã có một phát hiện rất ý nghĩa, rằng con người tồn tại giữa những mạng truyền thông (mà trước hết là truyền thông bằng ngôn ngữ) 3 . Khi đứa trẻ được đặt cho một cái tên thì thậm chí nếu nó chưa ra đời đi nữa, nó vẫn đã tồn tại trong nhận thức của những người xung quanh. Như thế, khi người ta mất đi tên thật và phải dùng những cái tên giả tạm, dù vì lý do gì, thì đó trước hết cũng là sự mất mát về ngôn ngữ và phải vá víu bằng ngôn ngữ.

Trong Phố của những cửa hiệu u tối , những cái tên giả tạm xuất hiện dày đặc. Nhân vật chính - xưng “tôi” - thừa nhận mình chỉ là một cái bóng sáng, một kiểu thực thể trống rỗng tồn tại dưới tên Guy Roland, có căn cước, có hộ chiếu, nhưng tất cả đều là giả. Cái tên giả Guy Roland khiến “tôi” an toàn nhưng không thể giúp “tôi” thôi trống rỗng, bởi “tôi” hiểu rằng cái tên đã mất kia tất yếu gắn với sự mất mát của những mối liên hệ với những người đã chỉ gọi “tôi” bằng cái tên ấy. Sống với cái tên giả, “tôi” coi như không còn tồn tại trong ký ức của họ nữa. Với cái tên giả, người ta có thể sống một cuộc đời hoàn toàn khác, nhưng cái giá phải trả là một đoạn đời trống rỗng không thể nào lấp đầy lại được. Và qua những cái tên, ta còn “đọc” được nguồn cội của con người, bằng mối liên hệ với ngôn ngữ mẹ đẻ. Theo cách đó, Gay Orlow - cô gái Nga không được chính quyền Xô viết công nhận tư cách kiều dân sau Cách mạng tháng Mười năm 1917 đã từng mang tên Nga là Galina Orlow, cái tên lạc mất một cách cố tình khi cô sang Mỹ rồi đến Pháp và kết hôn ở mỗi đất nước mà cô đến, như một nỗ lực vô vọng để tìm lấy một quốc tịch; Howard de Luz - một cái họ “ nửa Anh... nửa Pháp... hay Tây Ban Nha... [ 4 ,tr.68] rất lạ lùng đã giúp “tôi” lần ra tung tích một dòng họ danh giá giờ đã lụn bại; cái tên tục Pedro khiến “tôi” đinh ninh mình là người Nam Mỹ.

Hành trình tìm kiếm mình của Guy là hành trình lần theo những vết dấu ngôn ngữ. Những cái tên, bằng mối liên hệ với ngôn ngữ mẹ đẻ của con người, trở thành dấu chỉ quan trọng cho những cuộc hành trình phần nhiều vô định ấy. Trở đi trở lại trong Phố của những cửa hiệu u tối là ấn tượng về ngữ âm, hay chính xác hơn là nỗi ám ảnh ngữ âm - những âm thanh đánh thức cảm giác về một quá khứ nào đấy không rõ rệt. Khi nghe cái tên Stioppa lần đầu tiên, “tôi” lập tức phán đoán “ Căn cứ vào cách Sonachitzé phát âm chữ đó, chắc chắn đó là một cái tên Nga [ 4 ,tr.27]. Giai điệu của một ca khúc vùng Kavkaz khiến “ Đột nhiên tôi cũng xúc động. Hình như tôi có biết giai điệu này .” [ 4 ,tr.27] Gặp được Stioppa, ấn tượng đầu tiên của “tôi” vẫn là ấn tượng về tiếng nói - “ y nói tiếng Pháp không chút trọ trẹ [ 4 ,tr.43], rồi “ Y phát âm cái họ đó theo cách Nga. Nghe rất êm: tiếng gió xào xạc trong những vòm lá .” [ 4 ,tr.44] Cái tên Nga, giai điệu Nga đến nhà thờ Nga, tất cả những chi tiết nhỏ nhặt ấy trở thành ngọn hải đăng cho “tôi” bơi ngược chiều ký ức, và quả thật “tôi” đã lần được những manh mối đầu tiên. Rồi đến Howard de Luz - một cái họ lẫn lộn giữa Anh, Pháp và Tây Ban Nha - âm thanh một lần nữa đánh thức ký ức. Ngay cả lối phát âm giúp người ta ít nhiều lần ra manh mối về những tồn tại con người. “ Tôi thích cái cách bà phát âm họ tôi, tôi bảo bà. Điều đó là khó đối với một người Pháp... Nhưng bà viết nó như thế nào? Khi viết chữ đó, bao giờ người ta cũng mắc lỗi chính tả ...” [ 4 ,tr.124] Bằng cách bám víu vào những chi tiết rất nhỏ như thế, Guy Roland đã tìm ra được Pedro McEvoy.

Từ những họ tên giả tạm - những chỉ dẫn mơ hồ, “tôi” lần ra không ít những con người từng (hoặc chắc hẳn đã từng) tồn tại. Pedro McEvoy là một gã người Nam Mỹ - giả thuyết này hợp lý hóa sự xuất hiện của gã ở công sự quán nước Cộng hòa Dominica, Gay Orlow từng là người Mỹ hay Denise Yvette Coudreuse có họ tên thuần Pháp mang quốc tịch Pháp... Khi người ta đánh mất tên mình rồi chọn lấy một cái tên giả tạm, dù là bởi nguyên nhân nào đi nữa, thì cũng đồng nghĩa với việc họ xóa đi sự tồn tại của mình trong ký ức một cộng đồng người nhất định. Ở chiều ngược lại, một cộng đồng mất đi đồng nghĩa với sự mất mát những cái tên hay thậm chí là những phần đời gắn bó với cái tên ấy, với cộng đồng ấy - như cái cách mà người đàn ông Nga tên Stioppa thú nhận không còn quen được gọi là Stioppa. Ông là một thành viên trong cuộc Di Trú, là một phần của cộng đồng người Nga lưu vong không có tư cách kiều dân tại Pháp và cộng đồng đó đang dần biến mất... nên cũng chẳng còn ai để gọi tên ông. Bởi đã ẩn mình vào những cái tên giả tạm nên cả “tôi” lẫn rất nhiều người “tôi” gặp trên hành trình tìm kiếm bản thể của mình đều là những con người thất lạc: họ không còn được cộng đồng nhớ đến. Sự đứt gãy ngôn ngữ này cũng gợi đến đứt gãy truyền thống văn hóa trong những cộng đồng lưu vong nói chung. Khi những người lưu vong bắt đầu nói tiếng nước sở tại (hoặc tiếng Anh - thứ tiếng phổ biến nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay), ngôn ngữ mẹ đẻ càng về những thế hệ sau càng mai một và rốt cục, sẽ có những thế hệ lưu vong vừa không còn hiểu hết tiếng nói của đất nước mình vừa không hiểu được con cái mình, bởi chúng đã hoàn toàn dùng tiếng nước sở tại như là ngôn ngữ mẹ đẻ duy nhất. Cần lưu ý rằng hành trình của hai chữ lưu vong “ từ việc được hiểu một như một thuật ngữ chỉ đến những hình thức phân tán và di cư của người Do Thái, [...] hiện đã được sử dụng để khái quát hiện tượng di trú của loài người từ khắp nơi và trên mọi không gian lãnh thổ” 5 , và rất có thể chính gia đình Do Thái mang họ Modiano từ Tuscany là một điển hình lưu vong như thế, cội nguồn cho nỗi đau đáu bản thể Do Thái dai dẳng trong các sáng tác của Patrick Modiano.

Thất lạc ký ức và thất lạc quê hương

Song hành cùng những cái tên thất lạc là những ký ức thất lạc. “Tôi” mắc chứng mất trí nhớ cách đây mười năm, một cách hết sức đột ngột, biến mất cùng với trí nhớ đó là cái tên, cái tôi và tất cả những con người thuộc về thời gian ấy. Hình tượng nhân vật mất trí trở đi trở lại trong tiểu thuyết Patrick Modiano; ở Phố của những cửa hiệu tối, có ít nhất hai con người mất trí cố gắng đi tìm quá khứ của mình - là “tôi” và Hutte, vị thám tử tư già nua mệt mỏi đã từng là một nam tước vùng Baltic đẹp trai. Và có phải là ngẫu nhiên không khi đoạn ký ức thất lạc của “tôi” lại gắn với quá nhiều những dữ kiện quan trọng - tên họ, quốc tịch, những con người từng gắn bó, cuộc vượt biên bất thành hòng chạy trốn khỏi một Paris đã không còn an toàn...? Có phải, tình trạng mất trí cũng một cách phản kháng trước những biến cố kinh khủng của lịch sử?

Con người thất lạc ký ức trong Phố của những cửa hiệu u tối vướng lại trong những nếp gấp của thời gian và không gian. Thời gian của Phố của những cửa hiệu u tối thuộc về một thời kỳ nhiều biến động: từ thời Vichy đến khoảng những năm 1965. Vùng Chiếm đóng ngày càng mở rộng đồng nghĩa với tình trạng bù nhìn đến gần như tuyệt đối của chính phủ Vichy, những cuộc lùng bắt người Do Thái mà cả quân đội Phát xít và chính phủ Vichy đều dự phần, rồi cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh giải phóng Paris, những hoang tàn hậu chiến và cả những cuộc chia tay của những con người đã gặp nhau trong bóng tối thời Chiếm đóng... Trong giai đoạn biến động, những biến cố thuộc về cá nhân bị che mờ bởi những sự kiện lịch sử, tạo nên một nghịch lý rằng người ta có thể biết rất nhiều sự kiện về thời kỳ ấy nhưng lại không thể tìm biết được gì về ký ức cá nhân mình. Nỗi ám ảnh này đặc biệt thể hiện qua những cuốn Bottin - những ghi chép hành chính về tồn tại con người không thể giúp lần ra manh mối nào về bản thể. Có rất nhiều ghi chép như thế trong Phố của những cửa hiệu u tối, lặp đi lặp lại đến mức vô vọng và tạo nên cảm giác ngột ngạt. Đó là Gay Orlow với quốc tịch và nghề nghiệp không xác định dù ở Mỹ hay Pháp; là dòng họ Howard de Luz với những chỉ dẫn cứ lần lượt biến mất, “ Một người anh (hoặc em) ruột? [...] Một người anh (hoặc em) họ? ” [ 4 ,tr.80]; là Oleg de Wrédé “ không xác định được người mang tên này [...] có thể đó là một tên giả hay tên mượn [ 4 ,tr.160]; là Denise “ hình như đã làm việc ở tiệm may [...] hình như mất tích trong một cuộc toan tính vượt biên trái phép [ 4 ,tr.180,181]... Ký ức thuộc về những ghi chép ấy là một thứ ký ức phi cá nhân, dạng thức ký ức mà Guy Debord phân tích trong Xã hội diễn cảnh : “ Cùng với chữ viết xuất hiện một ý thức không còn được truyền tải và truyền lại nữa trong quan hệ trực tiếp giữa những người sống: đó là một ký ức phi cá nhân, tức là ký ức của bộ máy cai trị xã hội .” 6 Đến Phố của những cửa hiệu u tối , thứ ký ức phi cá nhân đáng ra mang âm hưởng quyền lực của bộ máy hành chính, những diễn ngôn theo kiểu biên biên đáng ra phải cụ thể, phải rõ ràng thì lại chỉ đầy những khoảng trắng, ngập ngừng, đứt gãy, với dày đặc những từ tình thái tô đậm cảm giác mơ hồ, từ chối mọi nỗ lực truy vấn từ phía cá nhân. Ngày tháng được ghi chép lại không có ý nghĩa gì trong nỗ lực định vị một con người giữa dòng chảy miên viễn thời gian. Và như một hệ quả tất yếu khi con người chỉ còn nắm được những mốc thời gian và những sự kiện không nói lên được điều gì, nhận thức về thời gian ấy chỉ khiến họ càng bất tín hơn với tri giác của chính mình, chỉ để họ mịt mù trong các niên đại được ghi chép lại mà thôi. Vừa tuyến tính (theo chiều tiến tới trong cuộc hành trình đi tìm bản thể của Guy Roland và quả thật ở cuối tiểu thuyết, nhân vật có vẻ đã đến gần hơn với mục tiêu của mình - đấy là con phố mang tên “Phố của những cửa hiệu tối” mà cái người rất có thể là anh ta từng ở), vừa phi tuyến tính (được tái hiện theo dòng ý thức và những ký ức chập chờn của Guy, mục tiêu cần đạt tới đáng ra phải ở trước mặt thì lại quá khứ sau lưng), thời gian nghệ thuật trong Phố của những cửa hiệu u tối thuộc kiểu thời gian tuần hoàn, chồng lấn lên nhau, nhòe nhập vào nhau và không đáng tin cậy, nhất là khi những tồn tại con người thật sự trong thời gian đó chỉ được ghi lại bằng ký ức - một thứ phương tiện gần như không còn sức mạnh, khi chủ thể của nó đều là những con người đã ít nhiều đánh mất ý thức của mình.

Tương tự như thế, không gian trong Phố của những cửa hiệu u tối là không gian mê cung. Vẫn là Paris, nhưng không có Nhà thờ Đức Bà nổi tiếng, dòng sông Seine hay đại lộ Champs Elysée chỉ thoáng qua, nhạt nhòa; Paris ấy vừa quen thuộc vừa xa lạ. Tính chất mê cung thể hiện trong những tên phố, tên khách sạn, tên tiệm cà phê... được liệt kê chi tiết nhưng lại không dẫn nhân vật và cả độc giả đến một kết luận rõ ràng nào. Patrick Modiano bị ám ảnh bởi những không gian đô thị Paris, đồng thời chịu ảnh hưởng rõ nét của lý tưởng trôi dạt - một “ kỹ thuật để nhanh chóng chuyển mình vào những không gian khác nhau ” (“ a technique of rapid passage through varied ambiences ”) 7 từ triết học Guy Debord. Tồn tại, bản thể và ký ức đều trong tiểu thuyết Modiano gắn chặt với không gian, thấm đẫm tinh thần không gian và bởi thế, với những nhân vật của Modiano, tìm kiếm ký ức, tìm kiếm bản thể hay tìm kiếm quê hương thất lạc trước hết là phải đặt mình trong không gian quá khứ. Cả hai con người thất lạc ký ức trong Phố của những cửa hiệu u tối chính vì vậy đều chọn trở về với thành phố của mình - nếu Hutte quay về với thành phố Nice của ông, xin một chân thủ thư và cố gắng trải nghiệm thành phố đó để tìm lại chính mình trong quá khứ thì “tôi” mò mẫm giữa mê cung Paris, tìm lại những địa chỉ mình từng gắn bó, hòng để cái hồn của không gian “đánh thức” lại những ký ức mất mát.

Trong nhiều ngày, tôi đã đi ngang dọc khắp quận XVI vì con phố lặng lẽ giữa hai hàng cây mà tôi thấy trong kỷ niệm, ứng với những con phố trong khu này. Tôi như người tìm mạch nước rình ngóng từng dao động nhỏ của con lắc cảm xạ. Tôi đứng canh mỗi đầu phố, hy vọng đám cây cối, nhà cửa gây cho tôi một cú trong tim. Tôi ngỡ mình đã cảm thấy nó ở ngã tư phố Molitor và Mirabeau và bỗng nhiên tôi dám chắc là dạo ấy, tối nào tôi cũng quanh quẩn ở đây sau khi ra khỏi công sứ quán. [ 4 ,tr.169]

Thế nhưng, những không gian ấy không phải là bất biến, nhất là qua những bể dâu lịch sử. Những địa danh liên tục xuất hiện nhưng không mang ý nghĩa “đánh thức”, chỉ càng tô đậm thêm cảm thức về tình thế rối rắm mất phương hướng của nhân vật giữa mê cung. Không gian tưởng như cố định nhưng đầy biến ảo, những vết dấu gắn với tồn tại con người dần biến mất - đó là khách sạn Chicago không còn tên Chicago, là tiệm Graff hay khách sạn Lincoln đều không còn nữa..., đẩy những cuộc truy tìm vào ngõ cụt và trôi dạt thành ra vô định, khi con người trôi dạt chẳng còn một điểm mốc để tự neo mình.

Và không chỉ có những tên phố, tên khách sạn, tên tiệm cà phê ở Paris được liệt kê chi tiết, như một dấu chỉ và cũng như một nỗi ám ảnh, không gian nghệ thuật trong Phố của những cửa hiệu u tối còn có sự rộng mở đến vô cùng, nối kết đến cả ngôi nhà gỗ “Thập tự phương Nam” (bản thân cái tên này đã gợi nhớ về những cuộc viễn chinh khiến hằng hà con người mãi mãi thất lạc quê hương), đến biên giới Pháp - Thụy Sĩ, đến Nice, đến Mĩ, đến một hòn đảo nào đó trên Thái Bình Dương mênh mông... Con người dịch chuyển giữa những không gian ấy như trong một chuyến hành trình vô định; “tôi” dù nắm được những cái tên, những manh mối trong các Bottin, những người quen biết cũ... vẫn không thể tái hiện được trọn vẹn cuộc hành trình của bất cứ ai, kể cả cái con người mang tên Pedro McEvoy mà “tôi” vẫn đinh ninh rằng đó chính là mình. Dịch chuyển liên tục giữa những xứ sở xa lạ như thế, nhân vật trong Phố của những cửa hiệu u tối là những con người không có đất nước. Không chỉ có Gay Orlow và những người Di Trú không được chính quyền Xô viết thừa nhận tư cách kiều dân là mất đi quốc tịch Nga của mình, hay “tôi” mang cái tên Nam Mỹ Pedro McEvoy và rất có thể là một người Dominica hay Argentina sống lưu vong... mà chính những người sống trên đất Pháp, có hộ chiếu Pháp như Denise cũng phải chối bỏ quê hương, vượt biên sang Thụy Sĩ để tìm kiếm sự an toàn. Một lần nữa câu chuyện vượt biên của Denise gợi nhắc day dứt đến những người tị nạn khắp nơi trên thế giới hiện nay - họ hầu như không có quyền lựa chọn, chỉ có thể hành động theo bản năng sinh tồn. Nhưng dù chủ động hay bị động, những con người như thế vẫn đã rơi vào tình cảnh thất lạc quốc gia, thất lạc cả một phần bản thể gắn với quốc gia đó. Tính chất thất lạc được nhận thức một cách day dứt qua cái cách Stioppa nói về cuộc Di Trú - một sự kiện lịch sử đã tạo nên một cộng đồng những con người không được thừa nhận tư cách kiều dân tập trung quanh ngôi nhà thờ Nga như bám víu lấy chiếc phao cứu sinh cuối cùng. “ Phần lớn những người gọi tôi là Stioppa đều đã chết. Những người còn lại hẳn đếm trên đầu ngón tay .” [ 4 ,tr.44]

Con người thất lạc - một “sản phẩm” của lịch sử

Thất lạc như một sản phẩm của lịch sử cá nhân

Căn bệnh mất trí nhớ không thật sự là một đề tài trong văn chương, còn những con người thất lạc lại không phải đến Patrick Modiano mới có. Ý niệm về sự thất lạc bản thể hay sự lạc loài, của cả cá nhân và cộng đồng, đều đã từng xuất hiện trước đó, như trong Nhân gian thất cách (Dazai Osamu) hay trong các tác phẩm về “thế hệ mất mát” của Enerst Hemingway... Hình tượng con người thất lạc trong Phố của những cửa hiệu u tối khác biệt bởi những nét cộng hưởng từ hoàn cảnh nước Pháp nửa đầu thế kỷ XX lẫn những ẩn ức cá nhân của chính Patrick Modiano - một đại diện cho những con người được sinh ra trong hỗn mang lịch sử.

Với Patrick Modiano, nỗi ám ảnh thất lạc có lẽ khởi nguồn từ lịch sử cá nhân, từ những ẩn ức tuổi thơ của đứa trẻ thuộc cộng đồng Do Thái thiểu số, thiếu vắng tình cảm và sự gắn kết gia đình, sớm mất đi người em trai thân thiết... và nhất là từ trong nguồn cội - một dòng họ gồm những con người đã mang lấy số phận là kẻ di dân phiêu bạt, để từ đó nhà văn miệt mài hành trình định vị bản thể và dòng máu Do Thái của mình giữa thế giới hỗn độn. Những thông tin về cuộc đời ông - rằng cha là một người đàn ông giang hồ tứ chiếng hay mẹ là một diễn viên rày đây mai đó, người em trai Rudy mất quá sớm và bản thân nhà văn phải sống qua những tháng này luân chuyển từ nhà người thân này đến nhà người thân khác, từ ký túc xá này đến ký túc xá khác... - đều đã quá phổ biến, nhưng đáng tin cậy và cần được viện dẫn nhất, một lần nữa có lẽ chính là lời tự sự của ông trong diễn từ tại Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Khi còn nhỏ thông thường nhất là tôi thấy mình xa cha mẹ, ở nhà những người bạn thân mà cha mẹ tôi gửi gắm và tôi chẳng hề thân quen chút nào, và cứ thế trong những nơi chốn và những căn nhà tiếp theo nhau. Ngay lúc đó, một đứa bé chẳng ngạc nhiên gì hết, và ngay cả trường hợp trong những tình huống lạ lẫm nhất điều đó đối với đứa bé dường như là hoàn toàn tự nhiên. Chỉ mãi về sau này thời thơ ấu của tôi mới hiện ra là bí ẩn đối với tôi và tôi cố rán sức để tìm biết thêm về những con người khác biệt này mà cha mẹ tôi đã giao phó tôi cho họ và những nơi chốn khác biệt đổi thay không ngừng này. 1

Ấn tượng tuổi thơ - về tình trạng thiếu thốn được nhìn nhận như là hoàn toàn tự nhiên, về những con người xuất hiện ngay buổi đầu đời nhưng hết sức bí ẩn, gần như hoàn toàn bí ẩn - đóng vai trò quan trọng tạo nên cảm quan nghệ thuật đặc trưng của Patrick Modiano: Thế giới là một nỗi mơ hồ và con người không ngừng hoài nghi, không ngừng tìm kiếm. Nhà văn không trực tiếp trải nghiệm Paris thời kỳ Chiếm đóng; những gì ông tái tạo trong tác phẩm của mình là những gì mà ông cảm nhận, hay nói cách khác, tiểu thuyết của Modiano là một thứ hiện thực tâm hồn - những ghi chép lịch sử “thuần” sự kiện khúc xạ qua cái nhìn của nhà văn, để cuối cùng hiện lên trang giấy. Và cái nhìn ấy, tự thân nó, vừa là lựa chọn, vừa thuộc về bản thể người nghệ sĩ. Với một nền tảng chênh chao lưu lạc ngay từ thời thơ ấu, tình trạng thất lạc hẳn đã ăn sâu vào tiềm thức nhà văn một cách tự nhiên, để rồi khi nhìn lại cuộc đời của mình và những người thuộc thế hệ mình, Patrick Modiano đã chộp ngay lấy cái phần mong manh, bí ẩn và khó nắm bắt nhất - là những thân phận thất lạc, những con người tồn tại bên ngoài thời gian và ngoài tất cả những phương tiện lưu dấu sự tồn tại của họ. Những con người như thế, để tìm thấy được, không thể nào và không bao giờ là bằng một phương tiện nào khác, ngoài ký ức.

Thất lạc như một sản phẩm của lịch sử cộng đồng

Patrick Modiano đã - bằng tâm hồn mình - trải qua Thế chiến thứ hai, qua những cuộc truy lùng tàn sát người Do Thái. Ở đó nỗi day dứt căn cước cá nhân gặp gỡ những vết đứt gãy trong tâm hồn của cả cộng đồng, để những cuộc va chạm, xung đột và tan rã trong lịch sử cộng đồng nối tiếp nhau mở cõi thất lạc của nhân vật trong Phố của những cửa hiệu u tối ra thăm thẳm. Ở thì hiện tại, sẽ thật khó hình dung sự tồn tại của cả một cộng đồng người không có ký ức, sử dụng giấy tờ hộ chiếu giả, sống mờ ám bằng việc môi giới hay những vụ áp phe... - như cộng đồng mà “tôi” lần theo trong cuộc hành trình tìm kiếm bản thể thất lạc của mình. Tuy nhiên, đặt câu chuyện trong Phố của những cửa hiệu u tối vào bối cảnh lịch sử - xã hội của nó, câu chuyện bỗng dưng hợp lý. Đó là nước Pháp trong thời kỳ Chiếm đóng - thời kỳ xã hội bị chia rẽ giữa phe chống phát xít, phe Cộng tác, cộng đồng Do Thái, và cả những người trung lập. Người ta dù thuộc phe nào cũng không khỏi bị ám ảnh bởi những sự biến mất, những cuộc bắt bớ vô cớ, những lời tố giác sau lưng... Paris thời bấy giờ là nơi gặp gỡ của những kẻ tứ chiếng - người Pháp từ các tỉnh, những người Di Trú từ Nga sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, những người Nam Mỹ, Hy Lạp, Ý... Trong một thế giới ghép nối từ quá nhiều những mảnh ghép vô định, dường như chẳng có điều gì là chắc chắn. Điều đó lý giải tại sao những nhân vật trong Phố của những cửa hiệu u tối lại dễ dàng chấp nhận đến thế tình trạng chông chênh của mình hay sự biến mất không thể lý giải của những người xung quanh. Với thế hệ những nhà văn sinh ra trong hoặc ngay sau thời kỳ Chiếm đóng tại Pháp, hành trình “thám hiểm” lịch sử đồng thời là hành trình tìm kiếm bản thể. “... những sự thật bị che giấu ấy chính là những trải nghiệm của cha mẹ họ về chiến tranh và thời Chiếm đóng, những điều mà chính sử không nhắc đến. Cuộc tìm kiếm bản thể khiến sáng tác của Patrick Modiano (sinh năm 1945) trở thành một những sáng tác tiêu biểu nhất của văn chương những năm 1970” (“these hidden realities were those of their own parents’ experience of war and Occupation, which official history had silenced”). 8

Nhắc đến cảm thức mất mát trong mối liên hệ với chiến tranh, khó có thể bỏ quên “thế hệ mất mát” của Ernest Hemingway - một hiện tượng văn hóa đặc trưng sau Thế chiến thứ nhất. Hemingway và Modiano gặp gỡ ở nỗi ám ảnh mất mát, sự bất toàn như là một di chứng của chiến tranh. “Thế hệ mất mát” của Hemingway - những con người đi qua một (hoặc cả hai) lần Thế chiến - mất đi sự ngây thơ, lý tưởng và nhiệt tình trong khắc nghiệt chiến tranh. Nhưng Hemingway là một người Mỹ, ông bước ra khỏi chiến tranh với tư cách người chiến thắng, và tình trạng chông chênh bởi ngây thơ, lý tưởng hay nhiệt tình mất mát đã lại được cân bằng bằng niềm tin vào chính mình (như đã thể hiện ở Ông già và biển cả , trong đó nghị lực của ông già Santiago đã chiến thắng hoàn cảnh để giữ lấy giấc mơ về những điều kỳ vĩ). Trong khi đó, Patrick Modiano không trực tiếp trải nghiệm chiến tranh, ông sinh năm 1945 - cũng là năm mà những người Mỹ như Hemingway đã tham gia giải phóng Paris. Những đứa trẻ của thời đại ấy bị ám ảnh bởi mặc cảm rằng mình là sản phẩm của thời kỳ Chiếm đóng - một thời kỳ đáng quên, và bởi thế không thể có niềm tin vào chính sự tồn tại của mình. Cái cách mà những nhân vật trong Phố của những cửa hiệu u tối nhắc về thời Chiếm đóng thể hiện rõ quan niệm của họ về giai đoạn này - những khách sạn không còn lấy một phòng rỗi “ do hoàn cảnh... ” [ 4 ,tr.202], “ Càng ngày tôi càng ít dám đi ra phố… [...] Có những hôm tôi sợ đến nỗi cứ nằm lì tại giường…” [ 4 ,tr.175]. Những dấu chấm lửng kéo dài câu văn liên tục xuất hiện vừa thể hiện nỗi ngập ngừng e sợ, vừa chỉ một sự ngầm hiểu trong bầu không khí chung của một Paris của những giấc mơ xấu với nỗi sợ hãi im lặng chờn vờn, vừa có thể là một sự né tránh nhắc đến. Bởi đó là một vết nhơ của nước Pháp, thủ đô của một đất nước từng là đế quốc hàng đầu lại có lúc bị quân phát xít chiếm đóng, những con người mang quốc tịch Pháp không còn an toàn trên chính đất nước của mình và luôn luôn phải tìm cách trốn chạy. Đứa trẻ sinh ra trong bóng tối của thời kỳ Chiếm đóng Patrick Modiano luôn ám ảnh về sự ra đời của mình.

Trong cái Paris của giấc mơ xấu ấy [...] những cuộc gặp gỡ tình cờ xảy ra giữa những con người chẳng bao giờ chạm mặt nhau trong thời bình, những cuộc tình mong manh nảy sinh trong bóng tối của giới nghiêm mà người ta không chắc có bao giờ gặp lại những ngày về sau. Và chính tiếp nối những cuộc gặp gỡ chẳng có ngày mai này, và đôi khi từ những cuộc gặp gỡ xấu này, mà sau đó những đứa trẻ ra đời. Đó là lý do tại sao Paris thời chiếm đóng luôn luôn đối với tôi giống như một cái đêm nguyên thủy. Không có nó tôi sẽ chẳng bao giờ được sinh ra đời. 1

Mang theo nỗi mặc cảm ấy, Patrick Modiano, những nhân vật trong Phố của những cửa hiệu u tối nói riêng và trong tiểu thuyết của ông nói chung đều là những con người mất mát, mất mát cả niềm tin vào chính mình, vào bản thể của mình. “ Tình trạng bất ổn, không chắc chắn - cả trong ngôn ngữ, văn hóa, chính trị và nhất là bản thể - là những di chứng lâu dài mà chiến chiến để lại trong những người kể đầy băn khoăn trong văn chương Modiano” (“ Instability and uncertainty - at the level of language, culture, politics, and especially identity - are one of the lasting legacies of the war, for Modiano’s uneasy narrators ”) 9 . Trong thế giới văn chương ấy, con người thất lạc trong mê cung của cả thời gian và không gian, mà không tìm thấy một chỗ dựa khả dĩ. Đó cũng là lý do mà những con người như thế bị ám ảnh với căn tính, với hộ tịch, với ký ức và lịch sử - bởi đó là những yếu tố cơ bản đảm bảo cho họ quyền tồn tại, một cách “danh chính ngôn thuận”, được ghi nhận và được thừa nhận, để không phải mải miết trốn chạy trong bóng tối của những vùng trung tính.

KẾT LUẬN

Thất lạc danh tính, thất lạc ký ức, thất lạc cả những yếu tố cơ bản nhất để chứng minh cho hiện hữu, những dấu chỉ mơ hồ, những lớp thời gian nhòe nhập và những cuộc tìm kiếm vô vọng... đó là những vết dấu thất lạc hằn lên mỗi nhân vật trong Phố của những cửa hiệu u tối. Cuốn tiểu thuyết, cũng như hầu hết các tác phẩm khác của Patrick Modiano, đều có dung lượng không lớn, nhưng phải đặt đúng vào phối cảnh văn hóa của nước Pháp thời kỳ Chiếm đóng mới thấy ánh lên trọn vẹn nỗi day dứt nhân sinh. Và theo cách đó mới thấy được điểm gặp gỡ giữa những con người Paris thời Chiếm đóng trong tiểu thuyết Modiano và phần còn lại của thế giới - nhất là những con người, những dân tộc đã từng hay vẫn đang phải chiến đấu để giữ lấy những nền tảng hiện hữu cho mình. Những tác phẩm lớn luôn luôn là thế, vừa cho tự ngã, vừa cho tha nhân, vừa là câu chuyện một thời, vừa xuyên suốt chiều dài tồn tại nhân loại.

LỜI CẢM ƠN

Tôi xin chân thành cảm ơn ThS. Trần Tịnh Vy - người hướng dẫn khoa học đầu tiên đưa tôi đến với tiểu thuyết Patrick Modiano, GS.TS. Phan Thu Hiền - người định hình cho những ý tưởng về con người thất lạc và đặc biệt là PGS.TS. Nguyễn Hữu Hiếu - người trực tiếp hướng dẫn tôi trong suốt quá trình nghiên cứu, học tập. Tôi cũng xin cảm ơn gia đình và rất nhiều bạn bè nhiệt tình đã động viên, hỗ trợ tôi hoàn thành bài viết này.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan không có xung đột về lợi ích trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả thực hiện toàn bộ nghiên cứu trong bài viết. Bài viết thể hiện cách nhìn nhận của tác giả đối với hình tượng con người thất lạc trong tiểu thuyết Phố của những cửa hiệu u tối của Patrick Modiano trên các phương diện biểu hiện và bản chất của sự thất lạc; bước đầu vận dụng cách đọc văn hóa học đối với một hiện tượng văn học đồng thời đưa ra một hướng tiếp cận mới đối với thế giới nghệ thuật của Modiano.

References

  1. Modiano P.. Diễn từ Nobel (Nguyễn Tiến Văn, dịch). [Online]. [truy cập lần cuối ngày 04/4/2020]. . 2015;:. Google Scholar
  2. Sâm T.H.. Nobel văn học 2014: Patrick Modiano hay là sự truy vấn bản thể - dòng máu Do Thái?. [Online] [truy cập lần cuối ngày 26/5/2020]. . 2014;:. Google Scholar
  3. Jean-François L.. Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên, dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức. 2008;:. Google Scholar
  4. Modiano P.. Phố của những cửa hiệu u tối (Dương Tường, dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Văn học. 2014;:. Google Scholar
  5. Vy T.T.. Khoảng cách thế hệ hay câu chuyện về "cộng đồng tưởng tượng": Đọc Mười bảy âm tiết của Hisaye Yamamoto, Phúc lạc hội của Amy Tan và Trầm tĩnh nhất hội của Angie Chau. Nghiên cứu văn học. 2014;(5):88-99. Google Scholar
  6. Debord G.. Xã hội diễn cảnh (Nguyễn Tùng, dịch). Hà Nội: Nhà xuất bản Tri thức. 2014;:. Google Scholar
  7. Debord G.. Theory of the Derive. Situationist International Anthology. Ed. Ken Knabb. Revised and Expanded ed. Berkeley, CA: Bureau of Public Secret. . 2006;:. Google Scholar
  8. Birkett J., Kearns J.. A Guide to French Literature from Early Modern to Postmodern. London: Macmillan Press. 1997;:. Google Scholar
  9. Anderson V.D.. Subjects of History: Identity and Memory in the First Person Narratives of Patrick Modiano, Assia Djebar, and Hervé Guibert. [PhD thesis] [cited 2020 June 1st]. . 2012;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 3 (2020)
Page No.: 433-441
Published: Sep 20, 2020
Section: Commentaries
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.573

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thao, L. N. N. (2020). The lost men in Missing Person. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 4(3), 433-441. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v4i3.573

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1498 times
Download PDF   = 450 times
View Article   = 0 times
Total   = 450 times