Abstract
In the background of today's increasingly promoted industrialization and urbanization, especially in urban areas of Vietnam, many social issues such as migration, infrastructure development, change in family culture, etc. have become outstanding. This paper does initial studies about the trend of switching from burial to cremation in Vietnam today. Currently, related to burial methods, especially in big cities, some issues such as environmental pollution due to burial cemeteries, rising cost of graves, etc. become increasingly serious. At the state level as well as for people's awareness, cremation is encouraged as one of the alternative burial methods. This has also been a noticeable research topic today. This paper explores this tendency through the study about the method of handling cremated remains in the relationship with Vietnamese beliefs and religions, especially ancestor worship – a major influential factor to Vietnamese burial culture. The research result shows that cremation is gradually accepted and at the same time, the new form of handling cremated remains such as worshiping remains in pagodas and churches (for Christians) has also been widely practiced. This trend has brought changes in the way of ritual practice and family notions in traditional ancestor worship. Through the study, the author hopes to contribute to the providing of theoretical and practical basis for the study about the status, characteristics, future trend in traditional burial culture in today's changing context in Vietnam.
Phần mở đầu12
Trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đang ngày càng được đẩy mạnh hiện nay, tại các đô thị Việt Nam đã xuất hiện nhiều vấn đề xã hội nổi bật như vấn đề di dân, phát triển cơ sở hạ tầng, thay đổi trong văn hóa gia đình, … Trong đó, vấn đề tập tục mai táng là một chủ đề nổi bật đang thu hút nhiều sự quan tâm gần đây. Liên quan đến tập tục mai táng truyền thống ở Việt Nam, đã có nhiều công trình nghiên cứu tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau. Trong nội dung của các tác phẩm nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, đều có nội dung đề cập đến hình thức mai táng bao gồm các đặc điểm, ý nghĩa, phương thức thực hiện,… Tiêu biểu như trong sách “Việt Nam văn hóa sử cương”, tác giả Đào Duy Anh đã trình bày chi tiết về những tập tục tang lễ, cách xây dựng và ý nghĩa mộ thổ táng 1 . Trong “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam”, tác giả Trần Ngọc Thêm đã trình bày về tang ma, ý nghĩa mộ thổ táng trong mối liên quan với triết lý âm dương 2 . Nhà nghiên cứu văn hóa phong tục tập quán Phan Kế Bính miêu tả chi tiết về vai trò, đặc điểm phương thức mai táng trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam trong “Việt Nam phong tục” 3 ,v.v… Các nghiên cứu trên đã cung cấp những kiến thức tổng quát, chi tiết nhìn từ nhiều phương diện của phương thức mai táng thổ táng truyền thống của Việt Nam. Và trong bối cảnh nhiều thay đổi của Việt Nam hiện nay, như trong diễn đàn khoa học về “Tập quán mai táng của người Việt Nam - Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra” tổ chức vào ngày 27/8/2019, phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định:”Tập tục mai táng là câu chuyện lớn, cần phải nghiên cứu sâu ở nhiều khía cạnh văn hóa, kinh tế, môi trường,… để có thể phối hợp tất cả các giải pháp nhằm tìm được định hướng tích cực”, qua đó có thể thấy phong tục mai táng đang là chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm tại nhiều lĩnh vực ở Việt Nam hiện nay. Cho đến nay có các công trình nghiên cứu tiêu biểu như sau đây. Bài viết “Đánh giá thực trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Huế”, đã tìm hiểu về thực trạng, các vấn đề của đất nghĩa trang tại thành phố Huế, nhìn từ góc độ quản lý đất, đánh giá môi trường 4 . Trong luận văn thạc sỹ với đề tài “Nghiên cứu hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang huyện Từ Liêm, Hà Nội với sự giúp đỡ của GIS và viễn thám”, Phan Phạm Chi Mai đã đề cập đến hiện trạng quản lý tài nguyên đất nghĩa trang trong bối cảnh xã hội đang chịu sức ép của gia tăng dân số và sự phát triển của kinh tế xã hội. Bài viết đã tìm hiểu về ứng dụng GIS và viễn thám trong việc thành lập bản đồ tính toán khoảng cách từ khu dân cư đến nghĩa trang, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về đất nghĩa trang 5 . Trong luận văn “Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên thành phố Hà Nội”, tác giả V.T.N.Hiền nghiên cứu tổng quan về đất nghĩa trang, tập tục tập quán của người Hà Nội về tập táng và sử dụng đất nghĩa trang, cách sử dụng, quản lý đất nghĩa trang và đề xuất một số giải pháp quản lý 6 . Thông qua đó, có thể thấy những nghiên cứu về chủ đề mai táng gần đây thường nhìn từ góc độ môi trường, quản lý đất đai và đô thị. Nhìn chung, nghiên cứu về các vấn đề mai táng hiện nay, cụ thể như thực trạng và ảnh hưởng của vấn đề thổ táng, phương thức hỏa táng vẫn còn là đề tài mới và chưa được tìm hiểu một cách hệ thống, chuyên sâu ở Việt Nam. Trên cơ sở kế thừa những kiến thức đã có, tác giả tìm hiểu về khuynh hướng chuyển đổi từ thổ táng sang hỏa táng thông qua việc tìm hiểu về phương thức xử lý tro cốt hỏa táng tại thành phố Hồ Chí Minh trong mối liên hệ với tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là phong tục thờ cúng tổ tiên. Như đã biết, tín ngưỡng, tôn giáo là yếu tố chính yếu tác động lớn đến văn hóa mai táng tại Việt Nam. Qua đó, tác giả mong muốn làm sáng tỏ thực trạng, đặc điểm, ảnh hưởng của khuynh hướng thay đổi từ thổ táng sang hỏa táng hiện nay tại Việt Nam nhìn từ góc độ văn hóa. Thông qua nghiên cứu, tác giả mong muốn sẽ đóng góp vào việc cung cấp những cơ sở lý luận và thực tiễn vào việc nghiên cứu về đề tài liên quan đến văn hóa mai táng còn mới mẻ này trong xã hội nhiều biến đổi hiện nay tại Việt Nam.
Đầu tiên, tác giả đi vào tìm hiểu về các khái niệm cơ bản.
Các khái niệm về phương thức mai táng
Khái niệm phương thức mai táng
Theo định nghĩa của Hán Việt từ điển của Thiều Chữ, “táng” (chữ Hán”葬”) là chỉ bất cứ cách gì chủ ý để cho tiêu xác chết” 7 . Định nghĩa trên cùng ý nghĩa với định nghĩa chung của nhiều nước trên thế giới. Ví dụ theo nhà nghiên cứu người Nhật Bản Y.Nagae đã chỉ ra phương thức mai táng là biện pháp xử lý thi thể người đã mất với cách thực hiện khác nhau như thổ táng, hỏa táng, thủy táng, điểu táng,v.v… 8
Có thể nói trên thế giới, chỉ có con người mới có văn hóa tang thức như xây mộ thờ cúng người mất. Theo kết quả khảo cổ, từ 60.000 năm đến 100.000 năm trước vào thời đại của người Neanderthal, thông qua việc khai quật được dấu tích của hình thức mộ thổ táng chôn thi hài người dạng duỗi thẳng hay trong tư thế gập người, đã chứng minh con người làm mai táng cho người mất từ rất sớm. Qua đó, có thể thấy tang thức đối với người mất đã được con người xem trọng và tiến hành từ thời xa xưa 9 . Phương thức mai táng và các nghi thức thể hiện nhiều đặc trưng của các nền văn hóa khác nhau như các đặc điểm phong tục, trình độ phát triển kinh tế, quan điểm tôn giáo,…
Khái niệm phương thức thổ táng
Theo Hán Việt từ điển 7 và Hán Việt tân từ điển 10 , thổ táng được gọi là “mai táng” (埋葬) và được định nghĩa là “việc chôn cất người chết”. Trong đó, chữ táng “葬” đã nêu trên, vốn có ý nghĩa tượng hình là “chôn thi thể dưới lớp đất cỏ”. Liên quan đến ý nghĩa này, trong từ điển Tiếng Việt (GS. Hoàng Phê) đã nêu định nghĩa “táng” có nghĩa là “chôn người chết” 11 . Như vậy, có thể thấy, mặc dù hiện nay từ “phương thức mai táng”, được dùng phổ biến để chỉ nhiều phương thức xử lý thi thể người mất khác nhau, tuy nhiên theo định nghĩa trong nhiều từ điển Việt Nam, “mai táng” đồng nghĩa với từ “thổ táng” hiện dùng phổ biến. Qua đó, cũng đã phản ánh được sự phổ biến của thổ táng trong xã hội xưa tại Việt Nam.
Thổ táng là phương thức chôn cất thi thể người mất thường được tiến hành với cách thức đặt thi thể trực tiếp hoặc trong quan tài, chôn xuống đất và xây mộ.
Trong các phương thức mai táng tại Việt Nam, thổ táng (địa táng) chính là hình thức phổ biến rộng rãi nhất. Theo truyền thống, thổ táng tại Việt Nam được thực hiện bằng 2 cách thức, bao gồm cách thức chôn cất xuống đất vĩnh viễn và cách thức chôn cất trong một thời gian tạm thời, sau đó cải táng chôn cất vĩnh viễn.
Khái niệm phương thức hỏa táng
Hỏa táng hay còn gọi là hỏa thiêu. Theo từ điển Tiếng Việt của GS.Hoàng Phê, hỏa táng được định nghĩa là hoạt động “thiêu xác người chết thành tro theo nghi thức” 11 . Hỏa táng bao gồm 2 giai đoạn : giai đoạn 1 xử lý thi hài bằng cách đốt cháy thành tro (sử dụng nhiên liệu gỗ, điện,…), giai đoạn 2 chính là bước xử lý tro cốt hỏa táng theo phong tục khác nhau tùy theo mỗi dân tộc, quốc gia như hình thức rải tro, chôn cất dưới cây xanh,…
Khi so sánh với các phương thức khác, như với “phương thức mai táng tự nhiên” (dựa vào yếu tố tự nhiên để xử lý thi thể), hỏa táng được xếp vào nhóm “phương thức mai táng văn hóa nhân tạo” 12 .
Các hình thức mai táng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nhận thức đất đai môi trường, quan niệm gia đình, tập quán, trong đó tín ngưỡng, tôn giáo của dân tộc là yếu tố ảnh hưởng chính yếu nổi bật. Ví dụ ở các quốc gia nhiều người theo Thiên chúa giáo, dựa vào quan niệm Phục sinh, thi thể được xem trọng và thổ táng là phương thức phổ biến; ở Ấn Độ đa số người dân theo đạo Hindu, sau khi mất được hỏa táng và rải tro trên sông Hằng 13 .
Tại Việt Nam, theo kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy từ xa xưa đã tồn tại nhiều hình thức mai táng như thiên táng, thổ táng, hỏa táng, thuyền táng (mộ thuyền Việt Khê của văn hóa Đông Sơn). Trong các yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa táng của dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo chính là một yếu tố ảnh hưởng chính yếu. Trong đó, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, thờ cúng tổ tiên được xem là hình thức tâm linh đóng vai trò quan trọng và phổ biến nhất trong cộng đồng người Việt. Mặc dù còn nhiều tranh cãi về “tính tôn giáo”, “tính chính thống” của tập tục thờ cúng Tổ tiên nhưng các nhà nghiên cứu đã thậm chí chỉ ra rằng thờ cúng tổ tiên chính là “tôn giáo trong gia đình” (religion domestique) 14 , “tôn giáo tuyệt đối” (une religion absolue) (Ajalbert) 15 của người Việt. Qua đó, có thể thấy tập tục thờ cúng tổ tiên luôn được nhấn mạnh trong văn hóa và xã hội của người Việt.
Trong phần sau đây, từ góc độ trong mối liên hệ với tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là phong tục thờ cúng tổ tiên, tác giả tìm hiểu về phương thức thổ táng, hỏa táng và khuynh hướng thay đổi từ thổ táng sang hỏa táng tại Việt Nam hiện nay.
Sự ra đời và phổ biến của phương thức thổ táng truyền thống tại Việt nam
Phương thức thổ táng đã tồn tại ở Việt Nam từ rất lâu đời. Theo tiến sỹ sử học Huỳnh Công Bá, dựa trên dấu vết khảo cổ đã cho thấy khoảng trên 1 vạn năm cách ngày nay, người cư dân sơ kỳ đá mới Hòa Bình ở Việt Nam đã phát minh ra nông nghiệp. Và dựa trên tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp, người chết được được chôn theo rìu hoặc cuốc đá, với nhiều tư thế nằm ngồi khác nhau 16 . Qua đó, có thể thấy vết tích thực hiện thổ táng đã ra đời từ xa xưa của người Việt.
Ngoài ra, sau nền văn hóa Hòa Bình, theo kết quả nghiên cứu khảo cổ, các nhà khoa học đã phát hiện các kiểu quan tài dùng trong thổ táng như quan tài hình vò (hay chum) bằng đất nung và hình thuyền có trong nền văn hóa cổ Sa Huỳnh, Đông Sơn tại Việt Nam 17 .
Như đã nêu trên, có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến văn hóa mai táng, trong đó sự hình thành và phổ biến hình thức thổ táng tại Việt Nam được nhận định gắn liền với tập tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Nền tảng để hình thành nên phong tục thờ cúng tổ tiên bao gồm nhiều yếu tố như tín ngưỡng vạn vật hữu linh với suy nghĩ con người được cấu thành từ linh hồn và thể xác 18 ,… Trong đó, ảnh hưởng của nền văn hóa nông nghiệp và Nho giáo được nhấn mạnh.
Trong mối liên hệ với văn hóa nông nghiệp, so với cuộc sống du mục, săn bắt hái lượm, việc làm nông cần sự đoàn kết cộng đồng để cùng nhau làm thủy canh, sản xuất trồng trọt, và người đứng đầu (thường là người lớn tuổi) chịu trách nhiệm tổ chức lễ hội cầu mùa màng, cũng như việc truyền lại kinh nghiệm và tài sản cho thế hệ sau đã làm nảy sinh và củng cố tinh thần tôn trọng, biết ơn người cao tuổi mà cụ thể là ông bà cha mẹ trong gia đình 19 . Đây là nền tảng quan trọng hình thành nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Như câu tục ngữ “Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa” thể hiện, ở xã hội Việt Nam truyền thống, trong nền kinh tế tiểu nông tự cung tự cấp, gia đình có mối liên kết giữa các thành viên, giữa các thế hệ rất mật thiết và chặt chẽ. Có thể nói chính ý thức thân tộc coi trọng huyết thống đã củng cố và hình thành nên ý thức thờ cúng tổ tiên sâu đậm 20 .
Và trong văn hóa nông nghiệp coi trọng gia tộc, gắn bó với đất đai, có quan niệm về cái chết truyền thống thường thấy như sau: con người khi chết sẽ về với đất, với Tổ tiên. Khái niệm chỉ cái chết “quy tiên” có ý nghĩa: quy thiên và về với đất. Như câu viếng thường thấy “Hạc giá tiên du”, nhằm biểu đạt ý nghĩa sau khi chết linh hồn của con người bay lên trời, còn hình hài sẽ chôn xuống đất 21 .
Theo đó, thổ táng chính là tập tục mai táng gắn liền với văn hóa nông nghiệp trong xã hội Việt Nam truyền thống.
Thêm vào đó, Nho giáo cũng chính là yếu tố ảnh hưởng lớn được nhấn mạnh. Mối quan hệ huyết thống chặt chẽ giữa tổ tiên con cháu được hệ thống, nghi thức hóa chính thức dựa vào Nho giáo 20 , 22 . Nho giáo theo Trung Hoa vào Việt Nam từ thời kỳ Bắc thuộc (khoảng 179 TCN~đầu thế kỷ X). Lúc đầu, Nho giáo theo chân phương bắc đến xâm lược nên chưa được tiếp nhận một cách tích cực, nhưng sau đó, sang triều Lê, thì Nho giáo trở thành tôn giáo độc thịnh tại Việt Nam [ 1 , tr.236]
Theo nguyên lý của Nho giáo, chữ hiếu đứng đầu trăm nết, hình thành nên đạo Hiếu dựa trên mối quan hệ ruột thịt tự nhiên của con người. Nghĩa vụ của một con người đối với gia tộc và tổ tiên là phải duy trì giống nòi, đảm bảo hương khói thờ cúng Tổ tiên, vì vậy người vô hậu là phạm điều bất hiếu rất lớn [ 1 , tr.124]. Từ đây, theo quan điểm Nho giáo, những quy định như phải có đất hương hỏa để lo giỗ, quan niệm“quy thổ” … rất được coi trọng.
Theo suy nghĩ Nho giáo, hỏa táng bị phản đối vì cho rằng việc phá hủy thi thể là trái với quan niệm chữ hiếu. Vì vậy, thi thể được chôn cất theo hình thức thổ táng được xem là phương thức mai táng chính thức 23 .
Trong các sách nghiên cứu liên quan đến mộ thổ táng, các nghi thức Nho giáo như lễ hạ huyệt, xây mộ, cúng mồ mả,… được miêu tả rất chi tiết. Ví dụ, khi xây mộ phải tế Thổ thần, xem hướng khi đặt quan tài vào huyệt trước khi đắp mộ, làm lễ “mở cửa mả”, sau đó lần lượt tổ chức lễ tiểu tường sau 1 năm, và lệ đại tường (tức giỗ hết) sau 1 năm.
Trong đó, một trong đặc điểm lớn của Nho giáo chính là nguyên lý phụ hệ, thể hiện qua việc hình thành dòng họ phụ hệ để có thể kế thừa chăm sóc mộ, thờ cúng Tổ tiên, duy trì dòng họ mãi mãi theo dòng nam 20 . Sự kế tục thờ cúng tổ tiên theo quyền trưởng nam được quy định đầu tiên trong bộ luật do vua Lê Thánh Tông ban hành năm 1462. Một trong những lý do chính của chế độ đa thê là nhằm có được con trai nối dõi 20 . Theo đó, cùng với bàn thờ đặt trong nhà, mộ thổ táng được xem như nhà của ông bà đã mất, mộ chính là nơi để gia đình, dòng họ thực hiện nghi thức thờ cúng Tổ tiên gắn liền với chữ hiếu của người Việt. Tinh thần này thể hiện qua các câu tục ngữ dân gian của người Việt như “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, “sống về mồ mả, chẳng ai sống cả về bát cơm”, hoặc nội dung “như tại” của bức hoàng treo trên bàn thờ Tổ tiên. Dựa trên đó, chữ hiếu trong phong tục thờ cúng tổ tiên được thể hiện thông qua việc lo mồ yên mả đẹp cho ông bà sau khi mất, và con cháu thực hiện những nghi thức tảo mộ trong dịp tết thanh minh.
Thêm vào đó, gắn liền với mộ chính là quan niệm về phong thủy, thể hiện niềm tin về sự kết nối giữa tổ tiên và con cháu. Tục ta cho rằng có thể vì mồ mả làm nên hay lụi bại, trong mộ có nước là tốt, việc động mồ động mả như cây mọc rể đâm vào mồ,… là đại kỵ. Vào thời xưa, một trong những cách thức được cho là tàn ác nhất đó chính là bị vua chúa bắt tội những người chống đối bằng cách tiêu diệt dòng giống, quật mồ bạt mả, hốt đổ xương xuống sông biển 24 . Lý do phong thủy cũng là một trong những lý do thực hiện cải táng mộ. Nếu mộ xây ở chỗ đất mối kiến, nước lụt sẽ dễ bị kết nối với việc không hay xảy ra trong nhà như có người đau ốm,… ; hoặc để cầu công danh, phú quý cũng thực hiện cải táng. Qua đó, đã thể hiện suy nghĩ tổ tiên và con cháu có huyết mạch tương quan liên kết với nhau. Hài cốt tổ tiên có yên nghỉ ấm cúng thì con cháu mới mát mặt, cuộc sống ấm no đầy đủ, hài cốt cũng không yên thì con cháu cũng không yên 3 .
Liên quan đến mộ thổ táng, trong kết quả điều tra của tác giả, thông qua một số ý kiến của người tham dự phỏng vấn cho rằng “ có điều kiện nên xây mộ cho bố mẹ yên nghỉ ”, “ phong tục gia đình cùng nhau đi tảo mộ, chăm sóc mộ rất có ý nghĩa ”, “ cho dù như thế nào, cũng ráng lo cho bố mẹ mồ yên mả đẹp thì mới sống yên tâm được ”,... đã thể hiện sự quan trọng của mộ thổ táng đối với gia đình. Điều này cũng có thể thấy thông qua ví dụ cụ thể của gia đình ông bà A sau đây.
Ông bà A bằng tuổi nhau khoảng 67 tuổi, đang sinh sống cùng gia đình con trai trưởng và mẹ già tại nhà riêng ở quận Tân Bình. Ông bà cho biết: “ Cho dù mua mộ đắt hay xa thành phố thì cũng phải mua. Dịp tết nhất con cháu tề tựu cùng nhau đi thăm mộ. Mồ yên mả đẹp, gia đình thuận hòa, truyền thống ông bà mình từ lâu vậy rồi. Em trai tôi đã mua sẵn chuẩn bị mộ cho mẹ (90 tuổi) ở nghĩa trang “Hoa Viên Bình Dương”, cả nhà có thể yên tâm. Mà nhờ vậy, em trai mới làm ăn tốt, ông bà phù hộ ”.
Theo đó, mộ thổ táng truyền thống của ông bà cha mẹ vẫn duy trì vị trí quan trọng bậc nhất trong gia đính. Hiện nay ở Việt Nam, một trong những khuynh hướng đang thu hút nhiều sự quan tâm của xã hội đó chính là mua tặng bố mẹ còn sống phần mộ làm quà tặng trong dịp lễ lớn như Vu Lan. Hoặc phong trào xây mộ nguy nga trong “thành phố ngàn tỷ”, “phố nghĩa trang” - cách nói ví von của những thành phố mộ dành cho người mất nổi tiếng ở Huế (tiêu biểu như làng An Bằng,…). Và thông qua những câu truyền miệng lan rộng trong làng xây mộ nguy nga ở Huế như: “xem “nhà” ông bà - ra nhà con cái”, hoặc suy nghĩ “trước khổ quá không nói làm gì, giờ có tiền phải để ông bà mồ yên mả đẹp chứ” 22 ,... đã thể hiện ý thức xem trọng mộ, và việc xây mộ to đẹp được xem như là cách báo hiếu, đền đáp công lao ông bà, cha mẹ vẫn được duy trì một cách phổ biến.
Như vậy, có thể nói mộ thổ táng truyền thống đã tồn tại từ rất lâu đời gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên trong văn hóa nông nghiệp, Nho giáo tại Việt Nam, và luôn giữ vị trí trọng yếu trong tâm thức người Việt, được duy trì một cách sâu đậm cho đến ngày nay.
Và cùng với phương thức thổ táng, hỏa táng cũng được xem là một trong những phương thức mai táng đã xuất hiện sớm ở Việt Nam. Tác giả đi vào xem xét phương thức này ở phần sau đây.
Sự ra đời và phổ biến của hình thức hỏa táng tại Việt Nam
Có nhiều giả thuyết về thời kỳ và nguồn gốc ra đời của phương thức hỏa táng tại Việt Nam.
Trong diễn đàn khoa học với chủ đề Tập quán mai táng của người Việt-Xu hướng biến đổi và những vấn đề đặt ra, do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 27/8/2019, PGS.TS Đinh Quang Hải (viện sử học), thông qua dẫn chứng kết quả khảo cổ học năm 1962 cho thấy những chiếc thạo đồng, trống đồng được chôn ở độ sâu khoảng 2-3 m trong lòng đất có chứa tro than bên trong và một số trang sức, đã đưa ra nhận định hình thức hỏa táng đã có mặt tại Việt Nam từ thời vua Hùng Vương 25 . Và sau đó, theo tư liệu khảo cổ học, những phát hiện của mộ chum chứa tro cốt hỏa táng đã chứng minh tục hỏa táng đã tồn tại trong nền văn hóa cổ Sa Huỳnh. Nguồn gốc của hỏa táng vẫn còn nhiều tranh luận, chưa khẳng định được xuất phát từ tín ngưỡng bản địa hay du nhập từ bên ngoài; có nhiều thuyết tồn tại cho rằng do ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, hoặc văn hóa người Chăm còn sót lại. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu nhận định, trong quá khứ hỏa táng không phải là hình thức phổ biến, chỉ được thực hiện giới hạn chủ yếu ở cộng đồng người Khơ Me theo Đạo Phật 17 .
Trong mối liên hệ với tôn giáo, như đã trình bày, khác với quan điểm phục sinh coi trọng thi thể của Đạo Chúa, đạo Hồi; theo quan điểm “vô ngã” của nhà Phật, thi thể sẽ trở về cát bụi và không được xem trọng. Vì vậy, dựa trên nền tảng đó, hỏa táng có thể được dễ dàng tiếp nhận theo suy nghĩ của Phật giáo. Thêm vào đó, chính Đức Phật sau khi mất đã được hỏa táng, từ đó hỏa táng được xem là một phương thức mai táng Phật giáo 18 . Và dựa trên cách thức thờ cúng xá lỵ hỏa táng của Đức Phật, đã phát triển nên phong tục bảo tồn và thờ cúng tro cốt hỏa táng [ 13 , tr.160].
Phật giáo khi bắt đầu du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ II, đã được tiếp thu một cách tích cực, đặc biệt lan rộng trong tầng lớp dân chúng; khác với Nho giáo vốn là nền tảng đạo đức của tầng lớp cai trị 26 . Có những thời kỳ, Phật giáo trở thành quốc giáo của Việt Nam. Sau khi dành được độc lập, nhà Đinh lên ngôi đã coi trọng Đạo Phật và không dùng nhà Nho vì những nhà Nho bị nghi ngờ về lòng trung thành. Thời kỳ Tiền Lê, các nhà sư đóng vai trò quan trọng như giữ vị trí cố vấn cho nhà vua 26 . Đến đời Trần, tuy Nho giáo trở lại hưng thịnh nhưng Phật giáo cũng đồng thịnh 1 .
Và trong thời kỳ Lý-Trần, có lẽ do ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo, tục hỏa táng đã được thực hiện mở rộng. Khi hỏa táng, người ta đã đặt nhiều đồ vật cho người chết cạnh giàn hỏa thiêu. Tục hỏa táng và tục cải táng thổ táng được nhận định có thể đã được thực hiện song hành trong thế kỷ XI-XIV 27 .
Tuy nhiên, sau khi Nho giáo trở thành quốc giáo, Phật giáo đã bị đối xử khắc khe và tầm ảnh hưởng trở nên bị hạn chế. Trong đó, từ thế kỷ XV trở đi, tập tục hỏa táng theo triết lý đạo Phật không còn thông dụng. Thọ mai gia lễ theo nghi thức Nho giáo đã chi phối tín ngưỡng tang ma người Việt, và dựa trên đó, đã ra đời nhiều nghi thức, phong tục tập quán được duy trì đến tận ngày nay. Trong đó, bao gồm phong tục cải táng mộ thổ táng, người mất chôn 3 năm sau đó chuyển sang tiểu sành chôn cất thành mộ vĩnh viễn 27 .
Về sự phổ biến của phương thức hỏa táng, theo kết quả tìm hiểu của tác giả, hỏa táng hầu như được đề cập rất ít trong các tài liệu ghi chép về văn hóa mai táng, nghi lễ,… truyền thống của Việt Nam. Và theo như nhiều nhận định của các nhà nghiên cứu, thổ táng được xem là phương thức mai táng truyền thống phổ biến của người Việt Nam.
Trong kết quả phỏng vấn nghiên cứu của tác giả, đã có nhiều ý kiến thể hiện sự phản đối, thái độ xa lạ đối với hỏa táng, điển hình như các ý kiến: “ Khi hỏa táng, linh hồn cũng sẽ bị thiêu đốt đi nên không thích ”, “ ước nguyện của mẹ sợ hỏa táng bị nóng, nên dù thế nào cũng sẽ xây mộ cho mẹ” , v.v…
Tuy vậy, trong bối cảnh nhiều thay đổi hiện nay như sẽ được phân tích ở phần sau đây, nhiều yếu tố ảnh hưởng đến phương thức mai táng như quá trình đô thị hóa tác động đến sự duy trì nghĩa trang thổ táng, sự thay đổi trong nhận thức về tôn giáo, gia đình,v.v... , đã dẫn đến sự thay đổi trong các phương thức mai táng tại Việt Nam. Và một trong những thay đổi lớn hiện nay đó chính là khuynh hướng thay đổi từ phương thức thổ táng sang hỏa táng.
Khuynh hướng thay đổi từ phương thức thổ táng sang hỏa táng hiện nay
Bối cảnh sự thay đổi của phương thức mai táng
Hiện nay, trong bối cảnh công nghiệp hóa và đô thị hóa, xã hội Việt Nam đang có những biến đổi lớn. Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo nội dung quy hoạch, thành phố nhắm đến mục tiêu đạt tỷ lệ đô thị hóa là 70-75% vào năm 2030. Đồng thời hiện nay tỷ lệ gia tăng dân số cơ học rất cao, tăng khoảng 200 đến 400 ngàn người mỗi năm (Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019). Tình trạng này đã gây sức ép lớn lên thành phố về cơ sở hạ tầng, giao thông,... và trong đó, những vấn đề liên quan đến nghĩa trang thổ táng cũng ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Liên quan đến vấn đề này, khi thực hiện phỏng vấn, nhân viên của nghĩa trang Phúc An Viên, quận 9, Tp.HCM cho biết: “ Giá của mộ tăng cao, dao động từ mấy chục triệu có khi đến cả tỷ đồng, hơn cả giá nhà ”. Hoặc không ít trường hợp khi tác giả phỏng vấn đã nhấn mạnh: “ Giờ mua mộ trong thành phố khó lắm, giá đắt mà cũng không có mà mua. Nên sang các tỉnh lân cận như Bình Dương sẽ tìm mua dễ hơn ”,v.v…
Về hiện tượng này, nhiều nguyên nhân được đưa ra như diện tích mộ thổ táng khá lớn nên ngày càng khan hiếm về đất nghĩa trang, người có điều kiện đua nhau mua mộ báo hiếu hoặc chọn phong thủy tốt,... nên đã đẩy giá thành lên cao. Những vấn đề nghĩa trang mộ thổ táng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo khoảng cách với khu dân cư,… trở thành những vấn đề nổi bật được báo chí liên tục đề cập gần đây.
Trong bối cảnh đó, cùng với những kỹ thuật hỏa táng ngày càng phát triển, phương thức hỏa táng được nhận định tiết kiệm diện tích, giảm thiểu tác hại môi trường, giá thành rẻ... đã được khuyến khích sử dụng như một biện pháp thay thế. Cùng với việc ban hành các chính sách khuyến khích hỏa táng, các địa phương tích cực tuyên truyền sâu rộng để chính sách hỗ trợ khuyến khích hỏa táng được phổ biến rộng rãi tới người dân. Tại thành phố Hồ Chí Minh, căn cứ vào quyết định ngày 26/11/2013 của Thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, thành phố đã ra quyết định khuyến khích hỏa táng với các nội dung cụ thể như hỗ trợ phí hỏa táng cho các bà mẹ anh hùng, đối tượng hưu trí, hộ cận nghèo; miễn phí phí hỏa táng cho trẻ từ 6 tuổi trở xuống có hộ khẩu tại thành phố,... Cùng với việc di dời các nghĩa trang thổ táng, những cơ sở hỏa táng với công nghệ hiện đại, hợp tác với nước ngoài đang được thúc đẩy xây dựng trên toàn quốc. Ví dụ trong tháng 11/2017, tập đoàn hỏa táng lớn Miyamoto Kogyosho đã ký kết với công ty Bách Việt nhằm xây dựng 10 trung tâm hỏa táng theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo đó, hỏa táng đang được khuyến khích đẩy mạnh tại Việt Nam và điều này đã dẫn đến những thay đổi trong văn hóa mai táng, đặc biệt là trong phong tục thờ cúng tổ tiên của người Việt.
Những đặc điểm của phương thức xử lý tro cốt hỏa táng hiện nay
Đối với việc tiếp nhận hỏa táng, trong nghiên cứu của tác giả, bên cạnh những ý kiến
phản đối, thành kiến đối với hỏa táng, đồng thời cũng có những ý kiến tích cực dành cho phương thức này. Ví dụ một thầy trụ trì chùa Pháp Hoa, quận Phú Nhuận đã có ý kiến như sau: “ Hỏa táng là phương thức sạch sẽ, hợp thời đại. Mộ thổ táng gây ra nhiều tác hại môi trường, làm tinh thần gia đình buồn đau u uất suốt ”. Một mục sư của nhà thờ Tân Định, quận 3 khi tác giả phỏng vấn cũng đã nhấn mạnh “ Mặc dù suy nghĩ Thiên chúa giáo truyền thống phản đối hỏa táng, nhưng hiện nay đã cởi mở hơn. Tôi cho rằng hỏa táng rất phù hợp với môi trường đô thị, dễ xử lý và bảo quản. Đạo Thiên chúa giáo ở Việt Nam tán thành và khuyến khích mọi người sử dụng hỏa táng ”.
Theo thống kê mới nhất năm 2019, tỷ lệ sử dụng hỏa táng trên tổng số người mất ở một số thành phố như Đà Nẵng, Cần Thơ còn thấp; nhưng ở những thành phố lớn khác đã tăng lên nhanh chóng, ví dụ ở Hải Phòng có tỷ lệ 29%, Hà Nội 65% và thành phố Hồ Chí Minh đạt 70% (tham khảo Figure 1 ) 28 .
Figure 1 . Tỷ lệ hỏa táng trên tổng số người mất ở một số thành phố tại Việt Nam năm 2019 28
Trên thế giới hiện nay, ở bước 2 của phương thức hỏa táng, tro cốt được xử lý bằng nhiều cách thức như được rải tro, hoặc được gia công tro cốt thành kim cương, đồ trang sức,... Ví dụ như ở Nhật Bản người nhà đảm trách việc hốt tro cốt, lấy đũa gắp và truyền nhau xương cốt còn lại sau hỏa tảng để bỏ vào bình đựng, và sau đó sẽ được chôn cất trong mộ gia đình truyền thống, hoặc sử dụng các hình thức mới như rải tro, chôn cất dưới cây,… 29 , 30 .
Ở Việt Nam, theo kết quả điều tra của tác giả, tro cốt hỏa táng có trường hợp được chôn cất vào mộ, lưu trữ ở phòng trữ tro cốt hỏa táng của chùa hoặc của công ty mai táng tư nhân, công ty công lập, v.v... Đối với người đạo Thiên Chúa, cách làm phổ biến là tro cốt được bảo quản và thờ cúng trong phòng chứa tro cốt của nhà thờ, được đặt tên là “Phòng chờ Phục Sinh”. Và như đã phân tích, hỏa táng được gắn kết với ý nghĩa của đạo Phật, vì vậy, bất kể người dân thuộc tôn giáo nào, cách làm phổ biến nhất chính là sử dụng hình thức gửi và thờ cúng tro cốt hỏa táng vào chùa. (Tham khảo Figure 2 , Figure 3 , Figure 4 , Figure 5 )
Theo kết quả thống kê, hình thức gửi tro cốt vào chùa ở Hà Nội là 28%, ở thành phố Hồ Chí Minh là 28,4% ở thời điểm 2012 20 .
Một số đặc điểm nổi bật của hình thức này chính là giá thành gửi tro cốt khá rẻ. Ví dụ trong nhà thờ quy định rõ ràng: nhà nghèo được miễn phí, và các đối tượng khác có chi phí dao động từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Còn ở chùa, các chi phí thường đóng góp tùy tâm, không quy định cụ thể.
Và gắn liền với hình thức xử lý tro cốt hỏa táng mới này, theo kết quả nghiên cứu, cũng đã xác nhận những thay đổi trong cách thờ cúng, làm giỗ cho người mất. Ví dụ, có thể quan sát sự thay đổi thông qua trường hợp cụ thể trong điều tra thực tế của tác giả như sau:
Trường hợp của cô I: Gia đình cô I đang sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Cô I sinh sống ở nhà chồng. Mẹ của I đã mất cách đây 5 năm và tro cốt hỏa táng được gửi vào chùa. Bố cô I hiện nay đang sống cùng với vợ sau và con trai nhỏ của họ. Hiện tại, hàng năm cô I và gia đình bố cùng làm giỗ cho mẹ tại chùa và nhà. Tuy nhiên, nếu sau này bố mất đi, ngoài việc thực hiện thắp hương, cúng giỗ mẹ ở nhà, cô I dự định sẽ đặt chùa làm đồ chay cúng mẹ, và mời họ hàng đến giỗ mẹ ở chùa.
Liên quan đến vấn đề này, thầy trụ trì chùa A cho biết: “ Trước đến nay, cho dù có gửi tro cốt ở chùa hay không, hầu hết ở các gia đình, người nhà vẫn đảm trách thực hiện các nghi thức giỗ hàng năm hoặc nhờ chùa giúp đỡ việc tụng kinh, cầu siêu. Nhưng gần đây, đã có trường hợp người nhà nhờ tất cả dịch vụ của chùa để làm lễ 49 ngày, 100 ngày cúng đồ chay, và thậm chí nhờ làm giúp giỗ thay gia đình trong trường hợp gia đình ở xa ”...
Trong trường hợp nhà thờ, theo lời của chị A, nhân viên trong nhà thờ Tân Định chia sẻ: “ Ngoài lễ cầu nguyện cho người mất theo đạo vào tháng 11 hàng năm của Đạo Thiên chúa, đối với trường hợp tro cốt hỏa táng đặt trong nhà thờ, mục sư sẽ tiến hành thêm 2 lần trong một tuần lễ cầu nguyện tập thể cho người mất với sự tham gia của gia đình ”.
Ngoài ra, trong nghĩa trang tư nhân Phúc An Viên ở quận 9, khu trữ cốt được xây trong khuôn viên một ngôi chùa. Ở đây cung cấp đầy đủ các dịch vụ như phòng làm giỗ cho người mất, thức ăn chay và mặn cúng cho người mất và mỗi năm công ty đều mời nhà sư đến làm giỗ và cầu an cho người mất,v.v…
Figure 3 . Phòng trữ cốt trong phòng của nghĩa trang công viên Phúc An Viên, Tp.HCM
Như đã phân tích trên, phương thức mai táng gắn liền với các tín ngưỡng, tôn giáo quan trọng của người Việt. Thổ táng chính là hình thức mai táng truyền thống phổ biến rộng rãi cho đến nay. Tuy nhiên, như kết quả điều tra cho thấy trong bối cảnh khó khăn trong việc duy trì thổ táng, … đã cho thấy sự gia tăng của khuynh hướng chuyển đổi từ thổ táng sang hỏa táng; và dựa trên đó đã đem lại những thay đổi cơ bản trong văn hóa mai táng của người Việt. Ví dụ như sự thay đổi trong tập tục thờ cúng Tổ tiên truyền thống. Trong quan niệm sinh tử, người Việt Nam có quan điểm truyền thống hỗn hợp về hình ảnh thế giới sau khi mất. Đó chính là quan niệm “sinh ký tử quy - sống gửi thác về” của Nho giáo với ý nghĩa sau khi mất con cháu, dòng họ sẽ đoàn tụ tại “suối vàng” - nơi tổ tiên bất diệt và cùng với hình ảnh thập điện Diêm vương, hay cõi Niết Bàn trong Phật giáo 31 , nhưng trong trường hợp chọn lựa hỏa táng và hình thức lưu trữ tro cốt ở chùa, thông qua sự tham dự ngày càng nhiều các nghi thức Phật giáo, thế giới quan Phật giáo ngày càng rõ nét hơn. Thêm vào đó, liên quan đến quan niệm phong thủy, vị trí của mộ thổ táng, ví dụ về lời nói của một người nữ khi phỏng vấn cho hay: “ Theo quy hoạch, mộ của mẹ chồng sẽ di dời, và nhà chồng sau khi bàn luận đã quyết định chuyển mộ đến nghĩa trang khác ở thành phố bên cạnh. Bản thân tôi phản đối. Nhà tôi, vì mộ của ông bị hư nên trong nhà đã xảy ra nhiều chuyện không hay trùng hợp. Tôi không có máu mủ, nhưng tôi lo cho con gái. Tôi thích nhà chồng sẽ hỏa táng và cho mẹ chồng vào chùa, khỏi sợ ảnh hưởng ”. Qua đó, có thể thấy khuynh hướng này đem lại sự thay đổi trong quan niệm phong thủy, sự kết nối của ông bà và con cháu thông qua mộ. Liên quan đến vấn đề này, nhân viên phòng tro cốt của Phúc An Viên cho biết “ Khách hàng khi chọn mua vị trí đặt hộp tro cốt hỏa táng, thường chọn vị trí dễ thăm viếng, tầm nhìn thoáng như ở vị trí chính giữa, ít nghe nói đến phong thủy, ảnh hưởng chuyện làm ăn của con cháu như khi mua mộ ”.
Ngoài ra, ở đây còn có thể thấy được sự thay đổi trong nguyên lý phụ hệ đáng chú ý của phong tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt. Mặc dù, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như nguyên lý mẫu hệ Đông Nam Á, quan niệm Phật giáo, … nhưng phong tục thờ cúng tổ tiên trong bối cảnh riêng tại Việt Nam, đã mang nhiều đặc điểm Nho giáo. Điều này thể hiện rõ ở suy nghĩ truyền thống yêu cầu phải có người nối dõi gia đình, dòng họ, chăm sóc mộ phần và thực hiện cúng giỗ Tổ tiên theo dòng nam 32 . Đặc điểm này vẫn duy trì cho đến ngày nay và theo kết quả của nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ, đây cũng chính là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng hiện nay ở Việt Nam. Theo thống kê, tỷ số khi sinh ở Việt Nam năm 2014 là 111,2 trẻ trai/100 trẻ gái, năm 2015 là 112,8/100, và có những nơi lên đến 120/100 33 . Theo đó, trong bối cảnh khuynh hướng phương thức hỏa táng ngày càng gia tăng, thông qua sự gắn kết với nhà chùa ngày càng lớn, việc sử dụng các dich vụ xã hội bên ngoài trở nên phổ biến, … việc thực hiện cúng giỗ Tổ tiên đã vượt quá phạm vi gia đình, dòng họ huyết thống theo nguyên lý phụ hệ truyền thống. Đây cũng có thể được xem là một trong những thay đổi lớn trong văn hóa mai táng truyền thống của người Việt do khuynh hướng này đem lại.
Kết luận
Văn hóa mai táng đóng vai trò quan trọng trong xã hội loài người. Tại Việt Nam, từ xa xưa đã tồn tại nhiều hình thức mai táng khác nhau bao gồm thổ táng, hỏa táng, … Trong đó, theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, thổ táng chính là phương thức phổ biến và ảnh hưởng sâu rộng nhất tại Việt Nam. Như đã phân tích, phương thức mai táng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như ý thức tôn giáo, quan niệm về gia đình, … Ví dụ dựa trên Nho giáo, cách thức xây mộ thổ táng, nghi thức cúng ở mộ được quy định theo nguyên tắc thống nhất.
Trong bài viết, trong mối liên hệ với tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt tập tục thờ cúng tổ tiên - là yếu tố chính yếu ảnh hưởng đến văn hóa mai táng của Việt Nam, thông qua việc tìm hiểu về hệ thống xử lý tro cốt hỏa táng, tác giả bước đầu tìm hiểu về khuynh hướng thay đổi từ thổ táng sang hỏa táng tại Việt Nam hiện nay.
Theo kết quả điều tra đã phân tích trên, ở Việt Nam, mặc dù phương thức thổ táng, mộ phổ táng vẫn phổ biến và rất được coi trọng. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, dưới sự ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, nhận thức gia đình thay đổi, mộ thổ táng ngày càng trở nên đắt đỏ, khu nghĩa trang dần bị thu hẹp lấn chiếm khu dân cư dẫn đến các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong thực trạng đó, về mặt pháp luật chính phủ đã khuyến khích đẩy mạnh phổ biến hỏa táng, và trên thực tế những thành kiến đang dần được xóa bỏ và hỏa táng đang ngày càng đươc tiếp nhận một cách tích cực hơn hiện nay.
Trong khuynh hướng này, dựa trên suy nghĩ vốn có ở Việt Nam hỏa táng chính là hình thức mang ý nghĩa Phật giáo, vì vậy phương thức xử lý tro cốt hỏa táng phổ biến chính là phương thức gửi và thờ cúng tro cốt ở chùa. Thông qua đó, những ảnh hưởng của Phật giáo có thể dự đoán ngày càng rõ nét trong cách thực hiện nghi thức cho người mất, quan niệm về thế giới quan, quan niệm phong thủy, v.v… Như kết quả nghiên cứu phản ánh, hiện nay đã xuất hiện những thay đổi trong quan niệm tôn giáo, cách thức tổ chức nghi thức thờ cúng tổ tiên, nguyên lý phụ hệ-nền tảng của gia đình và dòng họ truyền thống Việt Nam. Đây có thể được xem là những thay đổi cơ bản và là một trong những điểm cần chú ý trong việc tìm hiểu về đặc điểm, khuynh hướng của văn hóa mai táng của Việt Nam hiện nay và trong tương lai.
Tuy nhiên, trên thực tế, cần chú ý mặc dù trong bối cảnh hỏa táng đang gia tăng trên thế giới, nhưng sự tiếp nhận hỏa táng khác nhau tùy theo mỗi quốc gia. Ví dụ, theo kết quả của một số nghiên cứu đã chỉ ra mặc dù có sự gia tăng của hỏa táng nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc hỏa táng đã được thực hiện rộng rãi ở xã hội Âu Mỹ. Trên thực tế, tại những quốc gia này, thổ táng vẫn phổ biến và song song với nghi thức hỏa táng, nghi thức “embalming” (bảo tồn thi thể lâu dài) vẫn được tiến hành 29 . Qua đó, có thể thấy những yếu tố truyền thống vẫn có sự ảnh hưởng sâu đậm và phức tạp. Thêm vào đó, nghiên cứu của tác giả được thực hiện dựa trên phương pháp nghiên cứu định tính, phân tích tình huống, không mang tính phổ quát cao. Vì vậy, để có thể tìm hiểu về thực trạng của phương thức mai táng, sự chuyển đổi giữa thổ táng và hỏa táng, hình thức xử lý tro cốt hỏa táng có đặc điểm gì, khuynh hướng trong tương lai như thế nào,v.v…, cần phải thực hiện những nghiên cứu sâu rộng. Đây cũng chính là đề tài nghiên cứu trong tương lai của tác giả.
XUNG ĐỘT LỢI ÍCH
Bài viết không có xung đột lợi ích
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Tác giả đã thu thập thông tin tài liệu liên quan và thực hiện nghiên cứu thực tế tại quận X, một số chùa và nhà thờ ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tác giả dịch tài liệu và viết kết quả nghiên cứu. Tác giả liên hệ gửi và chỉnh sửa bài báo.
References
- Anh D.D.. Việt Nam văn hóa sử cương. Việt Nam: NXB Hồng Đức. 2013;:. Google Scholar
- Thêm T.N.. Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam. Việt Nam: NXB Tổng hợp TP.HCM. 2004;:. Google Scholar
- Bính P.K.. Việt Nam phong tục. Việt Nam: NXB Hồng Đức. 2012;:. Google Scholar
- Ngữ N.H., Quốc N.T.. Đánh giá thực trạng sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Huế. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN: các khoa học trái đất và môi trường. 2014;30(1):41-49. Google Scholar
- Mai P.P.C.. Nghiên cứu hiện trạng sử dụng đất nghĩa trang huyện Từ Liêm, Hà Nội với sự giúp đỡ của GIS và viễn thám. [LV Thạc sỹ]. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. 2012;:. Google Scholar
- Hiền V.T.N.. Đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp quản lý, sử dụng đất nghĩa trang, nghĩa địa trên địa bàn thành phố Hà Nội. [LV Thạc sỹ]. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. 2010;:. Google Scholar
- Chữ T.. Hán Việt tự điển. Hà Nội. . 1942;:. Google Scholar
- Yoko N.. Những thay đổi của mộ trong thế kỷ 21-Trong xã hội số lượng con nít giảm già hóa (21世紀のお墓にこう変わる-少子高齢社会の中で). Nhật Bản: NXB Cty Asahi Sonorama. 1998;:. Google Scholar
- Viện nghiên cứu mộ hiện nay. Mộ sẽ trở thành như thế nào? (お墓、どうしますか. Nhật Bản: Công ty Diamond. 2000;:. Google Scholar
- Hùng N.Q.. Hán Việt tân từ điển. Sài Gòn:NXB Khai Trí. 1975;:. Google Scholar
- Phê H.. Từ điển Tiếng Việt. Việt Nam: NXB Hồng Đức. . 2019;:. Google Scholar
- Mori K.. Tình trạng hiện nay của mộ và phương thức mai táng (墓と葬送の現在). Nhật Bản: Tokyodo Press. 2000;:. Google Scholar
- Fuji M.. Phong tục về xương cốt và cái chết (死と骨の習俗). NB: Cty Futabasa. 2000;:. Google Scholar
- Cadiere Michel L.. La famille et la Religion en Pays Annamite. . 1958;:. Google Scholar
- V.T. Bằng. Tín ngưỡng dân gian ở tp.Hồ Chí Minh. VN: NXB ĐH quốc gia tp.HCM. 2008;:. Google Scholar
- Bá H.C.. Cơ sở văn hóa Việt Nam. Việt Nam: NXB Thuận Hóa. 2012;:. Google Scholar
- Vân T.. Bảo vật quốc gia về hình thức táng cổ (Tọa đàm "các hình thức táng ở Việt Nam" tổ chức tại Bảo tàng lịch sử quốc gia (30/7/2017). Báo Đại đoàn kết online. (Trích 12/12/2019). 2017;:. Google Scholar
- Kachi N.. Nho giáo nghĩa là gì (儒教とは). NB: NXB Chuo Koron Shinsha. 1990;:. Google Scholar
- Hisao T.. Lịch sử và phong tục thờ cúng Tổ tiên. NB: Hirofumido. 1986;:. Google Scholar
- N.D. Thịnh. Tín ngưỡng & văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. NXB Trẻ. . 2012;:27. Google Scholar
- Mỹ B.X.. Lễ tục trong gia đình người Việt. VN: NXB Văn hóa thông tin. 2007;:173. Google Scholar
- Tuổi trẻ cuối tuần. Những thành phố ngàn tỷ của người chết. Báo Tuổi trẻ online. (Trích dẫn 11/2019). . 2017;:. Google Scholar
- Sabata T.. Văn hóa hỏa táng (火葬の文化). Nhật Bản:Shinchosha. 1990;:. Google Scholar
- Thanh N.. Đất lề quê thói-Phong tục Việt Nam. Nhật Bản: NXB Hồng Đức. 2015;:283. Google Scholar
- Điểu T.. Hỏa táng ở nước ta có từ thời Hùng Vương. Báo Tuổi trẻ online. (Trích dẫn 12/12/2019). 2019;:. Google Scholar
- Khôi L.T.. Lịch sử Việt Nam từ nguồn cội đến giữa TK XX. Việt Nam: Nhã Nam & NXB Thế giới. 2014;:. Google Scholar
- Thượng P.C.. Văn minh vật chất của người Việt. VN: NXB Thế giới. 2018;:. Google Scholar
- Dương A.. Chính sách khuyến khích và hỗ trợ thực hiện hình thức hỏa táng, tài liệu của Bộ xây dựng. Báo điện tử của Bộ xây dựng. (Trích dẫn 3/2019). 2019;:. Google Scholar
- Yokota M.. Kỹ thuật hỏa táng của nước Nhật (火葬大国ニッポンの技術). Nhật Bản: Heibonsha. 2000;:. Google Scholar
- Châu N.T.H.. Change and succession in the treatment of cremated remains in present day Japan -The blending of new and old. Okayama university Jounal of Humanties and scial sciences. 2011;(31):. Google Scholar
- Duy N.D.. Các hình thái tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam. Việt Nam : NXB Văn hóa-thông tin. 2001;:. Google Scholar
- Châu N.T.H.. Changing of ancestor worship in the Confucian patrilineal descent group in Vietnam -the case of HCM city. Journal of Advanced research in social sciences and humanities (JARSSH). 2018;2(5):. Google Scholar
- Theo kết quả của cuộc điều tra biến động dân số 2016 của Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. Báo động mất cân bằng giới tính ở Việt Nam. Báo điện tử Vietnamnet. (Trích dẫn12/2019). 2016;:. Google Scholar