VNUHCM Journal of

Social Sciences and Humanities

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam since 2017

ISSN 2588-1043

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Reviews - Science Sciences

HTML

195

Total

116

Share

The overview of agritourism through the bibliometric analysis using VOSviewer






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Agritourism is considered a viable industry for expansion due to its substantial benefits to the economy, culture, environment, and society in rural areas, as supported by published publications. The review aims to provide the statistics, generalization, and analysis of the intellectual achievements on agritourism published from early 1980 to March 2024 and stored in the Scopus database. 1536 research articles on agritourism were gathered for the bibliometric analysis using VOSviewer, MS Excel, and Publish or Perish software. The research findings show a comprehensive picture of research trends based on keywords, authors, countries, and the number of publications. Especially, this article contributes to expanding the comprehension of the present status of global agritourism research, establishing a foundation for researchers to discern new research patterns in the same field. However, the review was limited by its exclusive use of the Scopus database, which partially affected the analytical results. This constraint also implies the need for future studies that enhance views of agritourism by including more data from other sources.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Thuật ngữ du lịch nông nghiệp đã xuất hiện từ những năm 1980 của thế kỷ trước ở các quốc gia phát triển 1 , 2 , 3 , 4 , 5 và được định nghĩa có liên quan mật thiết đến các hoạt động giáo dục, giải trí diễn ra trực tiếp trên các trang trại nông nghiệp 6 . Trong đó, các nghiên cứu tập trung xoay quanh những chủ đề:

  1. Khái niệm, phạm vi, lý thuyết về du lịch nông nghiệp: Đây là một trong những chủ đề còn gây nhiều tranh cãi do xuất phát từ việc các nhà nghiên cứu nhận thức, đưa ra các quan điểm khác nhau dựa trên các thuộc tính cụ thể của loại hình du lịch này 7 , 8 , 9

  2. Hiệu quả kinh tế mang lại cho các bên liên quan, có thể kể đến nông dân, cộng đồng địa phương, các doanh nghiệp khi các chủ thể tham gia và xem du lịch nông nghiệp như một giải pháp để tăng cường và đa dạng hóa nguồn thu nhập 10 , 11 , 12 , 13

  3. Sự kết hợp giữa du lịch nông nghiệp và tính bền vững liên quan đến các khía cạnh văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn 14 , 15

  4. Các phương pháp tiếp cận nữ quyền, qua đó đã phát hiện vai trò quan trọng, những động lực cũng như thách thức của vai trò giới trong du lịch nông nghiệp 16 .

Sự đa dạng trong các chủ đề nghiên cứu, và sự gia tăng nhanh chóng về số lượng các công bố liên quan đến du lịch nông nghiệp trong gần bốn thập kỷ qua đã cho thấy được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của loại hình du lịch này trong bối cảnh gia tăng dân số cùng với sự cạn kiệt các nguồn tài nguyên nông nghiệp, quá trình biến đổi khí hậu đang thách thức, đe dọa nghiêm trọng vấn đề an ninh lương thực trên toàn thế giới 17 .

Trắc lượng thư mục đã dần trở nên phổ biến hơn với ưu điểm dễ tiếp cận. Phương pháp này sử dụng số liệu thống kê để đo lường văn bản, các thông tin có liên quan, đánh giá số lượt trích dẫn của các tài liệu được công bố để theo dõi xu hướng hoặc mô hình của một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể 18 . Khi thực hiện tổng quan tài liệu, việc phân tích thư mục có thể cung cấp mẫu mô tả của các ấn phẩm đã công bố dựa trên một miền, lĩnh vực, quốc gia, thời kỳ cũng như khám phá nhiều thông tin chi tiết hơn liên quan đến các ấn phẩm như tác giả, tần suất của từ khóa và trích dẫn. Điều này cần thiết trong việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu có sự đánh giá nhanh về lĩnh vực quan tâm, tạo tiền đề xác định xu hướng chủ đề và phương pháp nghiên cứu mới 19 . Với khả năng tiếp cận hiện tại và sự phong phú của dữ liệu có sẵn đã được công bố từ những ấn phẩm khoa học, nhiều công cụ khác nhau đang được phát triển để phân tích các dữ liệu thư mục. Trong đó có thể kể đến như VOSviewer (VOS – visualization of similarities), đây là công cụ lập bản đồ thư mục hình dung các điểm tương đồng được phát triển bởi Van Eck và cộng sự 20 . Đây cũng là công cụ phần mềm để tạo bản đồ dựa trên dữ liệu mạng, trực quan hóa các số liệu và phân tích nhiều yếu tố bao gồm tạp chí, tác giả, từ khóa và có thể được xây dựng dựa trên các trích dẫn, khớp nối thư mục, đồng trích dẫn hoặc mối quan hệ đồng tác giả và sự liên kết trong chủ đề nghiên cứu 21 . Để phân tích trắc lượng thư mục, hiện có nhiều phần mềm để thực hiện như Biblioshiny sử dụng ngôn ngữ lập trình phân tích dữ liệu R, chạy trên giao diện website và cần viết các chỉ lệnh khi thực hiện phân tích; phần mềm CiteSpace tuy chạy ứng dụng trên hệ điều hành Window nhưng có tính phí. Trong số đó, VOSviewer nổi bật hơn khi có sự tương thích với nguồn dữ liệu Scopus; thao tác thực hiện đơn giản, tập trung vào phân tích dữ liệu ở cấp độ tổng hợp và kết quả được thể hiện trực quan thông qua màu sắc, hình ảnh, cung cấp cái nhìn sâu sắc về cấu trúc và xu hướng phát triển của chủ đề.

PHƯƠNG PHÁP TIẾN HÀNH

Lựa chọn nguồn dữ liệu

Để tổng quan tài liệu về du lịch nông nghiệp, phân tích trắc lượng thư mục được thực hiện bằng cách sử dụng cơ sở dữ liệu từ Scopus. Đây là một trong những nguồn cơ sở dữ liệu lớn nhất trên thế giới, cung cấp đa dạng các bài báo, chương sách, bài tổng quan khoa học nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực 22 .

Phân tích trực quan các cấu trúc dữ liệu, việc sử dụng phương pháp trắc lượng thư mục là cần thiết và hữu ích cho việc tổng quan nghiên cứu. Trắc lượng thư mục (Bibliometric analysis) đôi khi còn được gọi là phân tích thống kê thư mục, đo lường chất lượng, số lượng của sách, tạp chí và các ấn phẩm. Các biến được sử dụng để đo lường tài liệu bao gồm: Tác giả; Nguồn gốc (tổ chức, quốc gia, vùng, ngôn ngữ); Nguồn (tạp chí, nhà xuất bản, loại hình); Nội dung nghiên cứu (văn bản, chủ đề); Trích dẫn tới tài liệu, trong tài liệu, đồng trích dẫn (số lượng tài liệu tham khảo trong bài viết, số lượng trích dẫn đến tài liệu,…). Các kết quả thu được từ việc phân tích định lượng các ấn phẩm, ứng dụng trắc lượng thư mục sẽ đóng vai trò là công cụ đánh giá nghiên cứu, đo lường ảnh hưởng của các nghiên cứu về du lịch nông nghiệp 23 . Những phân tích như vậy sẽ giúp đưa ra các nhận xét, đánh giá khách quan hơn so với các phương pháp tổng quan tài liệu truyền thống.

Trong bài viết này, dữ liệu có liên quan đến du lịch nông nghiệp sẽ được giới hạn thời gian tìm kiếm nguồn tài liệu kể từ năm 1980 (thời điểm nó xuất hiện trong các ấn phẩm khoa học 1 , nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà nghiên cứu) đến tháng 3 năm 2024. Bên cạnh đó, các ấn phẩm học thuật có liên quan đến lĩnh vực du lịch nông nghiệp phần lớn đều được công bố bằng tiếng Anh, do đó lần lượt các từ “agritourism”, “agro-tourism”, “agricultural tourism”, “agriculture tourism” là từ, cụm từ khóa được lựa chọn để tìm kiếm tài liệu có liên quan đến chủ đề du lịch nông nghiệp. Các từ khóa xuất hiện trong tiêu đề bài viết tuy sẽ là yếu tố đầu tiên mà người đọc quan sát thấy được 24 nhưng nếu chỉ tìm kiếm các công bố học thuật dựa trên các từ khóa này thì sẽ làm hạn chế các chủ đề liên quan có ý nghĩa với lĩnh vực nghiên cứu và mục tiêu nghiên cứu. Do vậy, tác giả mở rộng phạm vi tìm kiếm theo tiêu đề bài báo, tóm tắt và lần lượt các từ khóa đã liệt kê trong giai đoạn từ năm 1980 đến tháng 3 năm 2024 bằng tất cả các ngôn ngữ để xác định được các dữ liệu có liên quan đến du lịch nông nghiệp.

Khai thác thông tin

Figure 1 . Sơ đồ tìm kiếm tài liệu 25

Figure 1 
<a class=25" width="300" height="200">

[Download figure]

Figure 1 thể hiện quy trình tìm kiếm, sàng lọc dữ liệu sau khi trích xuất. Các dữ liệu có đầy đủ các thông tin trích dẫn (tác giả/nhóm tác giả; tiêu đề tài liệu; năm; tập, số phát hành, trang; số lượng tích dẫn; nguồn và loại tài liệu; giai đoạn xuất bản), thông tin thư mục, tóm tắt và từ khóa sẽ được sử dụng để phân tích thư mục. Tác giả sử dụng 1) Microsoft Excel để tính toán tần suất và tỷ lệ phần trăm của các tài liệu đã xuất bản và để tạo biểu đồ và các đồ thị có liên quan quan; 2) Phần mềm VOSviewer (phiên bản 1.6.20) để trực quan hóa các mạng thư mục; và 3) Phần mềm Publish or Perish của Harzing để tính toán các chỉ số trích dẫn.

NỘI DUNG CHÍNH

Số lượng ấn phẩm đã công bố

Trích xuất tài liệu từ cơ sở dữ liệu Scopus trong giai đoạn từ năm 1980 đến tháng 3 năm 2024 đã xác định được 1536 tài liệu có liên quan đến du lịch nông nghiệp đã được công bố. Table 1 tóm tắt danh mục các loại tài liệu có số lượng ấn phẩm công bố nhiều nhất trên dữ liệu Scopus, qua đó có thể thấy bài báo nghiên cứu về du lịch nông nghiệp chiếm số lượng nhiều nhất với 1062 ấn phẩm, chiếm tỷ lệ 69.14% tổng số tài liệu đã xuất bản, tiếp theo là tham luận hội thảo với 259 bài (16.86%), chương sách với 133 bài (8.66%), tổng quan với 38 bài (2.47%). Bên cạnh đó còn có đa dạng các loại tài liệu khác như: ghi chú, bài xã luận,.. với đóng góp dưới 1% mỗi loại trong tổng số nghiên cứu. Sử dụng phần mềm Publish or Perish 8 thống kê đã cho thấy các tài liệu truy xuất đã nhận được tổng cộng 15818 trích dẫn, 334.87 trích dẫn/năm và 13.21 trích dẫn/bài viết.

Table 1 Nguồn dữ liệu về du lịch nông nghiệp được truy xuất trong giai đoạn 1980-2024

Ngôn ngữ chủ yếu được sử dụng trong các tài liệu truy xuất được xuất bản bằng tiếng Anh (1424 tài liệu, chiếm 92.71%), còn lại là các ngôn ngữ như tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Ba Lan,…

Phân tích sự xuất hiện đồng thời của các từ khóa tác giả

Figure 2 . Trực quan hóa bản đồ mạng của các từ khóa tác giả (Nguồn: Kết quả do tác giả phân tích từ phần mềm VOSviewer, 2024)

Sử dụng phần mềm VOSviewer thực hiện lập bản đồ của từ khóa tác giả với số lần xuất hiện tối thiểu là 5 cho thấy rằng những từ khóa du lịch nông nghiệp (agritourism), du lịch nông thôn, du lịch, nông nghiệp, phát triển bền vững, phát triển nông thôn, du lịch nông trại, bền vững, du lịch nông nghiệp (agro-tourism), vùng nông thôn, du lịch sinh thái, du lịch bền vững, biến đổi khí hậu là những từ khóa có tần suất đồng xuất hiện nhiều nhất và thể hiện rõ thông qua độ lớn của các hình tròn trong Figure 2 . Các hình tròn trong cùng một cụm màu thể hiện một chủ đề tương tự giữa các nghiên cứu và mỗi hình tròn đại diện cho một lĩnh vực con của lĩnh vực nghiên cứu về du lịch nông nghiệp. Trong Figure 2 , cụm nghiên cứu màu đỏ (cụm 1, 16 mục), các từ khóa như “du lịch nông nghiệp”, “đa dạng sinh học”, “kinh tế tuần hoàn”, “bảo tồn”, “du lịch sinh thái”, “phát triển nông thôn” hướng đến các nghiên cứu có liên quan đến lợi ích phát triển mà du lịch nông nghiệp mang lại. Cụm màu xanh lá với các từ khóa “di sản”, “phong cảnh”, “môi trường”, “tài nguyên tự nhiên”,… tập trung tìm hiểu các khía cạnh tài nguyên phục vụ cho du lịch nông nghiệp. Tương tự, các cụm màu khác được tập trung vào miền chính như “nguồn lực”, “tinh thần khởi nghiệp”, “thích ứng” trong du lịch nông nghiệp với các từ khóa “giới”, “các bên liên quan”, “vốn xã hội”, “kinh doanh”,… Qua đó, có thể nhận thấy sự đa dạng, phong phú trong các chủ đề nghiên cứu về du lịch nông nghiệp trong lĩnh vực học thuật.

Sự gia tăng số lượng nghiên cứu

Figure 3 . Số lượng ấn phẩm nghiên cứu du lịch nông nghiệp giai đoạn 1980–2024 (Nguồn: Tác giả tổng hợp từ nguồn dữ liệu Scopus, truy cập ngày 18/3/2024)

Du lịch nông nghiệp là một lĩnh vực nghiên cứu tương đối mới, các ấn phẩm nghiên cứu chính thức có liên quan đến lĩnh vực này chỉ mới bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980. Việc kiểm tra tài liệu dựa trên năm xuất bản sẽ giúp quan sát được mức độ phát triển và phổ biến của đối tượng nghiên cứu theo thời gian 25 . Việc thống kê phân tích xu hướng xuất bản của tài liệu chỉ ra rằng lĩnh vực du lịch nông nghiệp vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển và mở rộng nhanh chóng. Trong Figure 3 , ta quan sát thấy được số lượng ấn phẩm được công bố cao nhất vào năm 2022, với tổng số 196 tài liệu và thấp nhất là vào những năm đầu được nghiên cứu với khoảng 1 tài liệu mỗi năm. Số lượng các công bố về lĩnh vực du lịch nông nghiệp có sự gia tăng theo từng năm và mở rộng phạm vi nghiên cứu sang các quốc gia đang phát triển. Số lượng tạp chí tham gia xuất bản cũng phong phú, đa đạng, thể hiện sự phổ biến của các tài liệu nghiên cứu. Du lịch nông nghiệp là một chủ đề đa chiều, do đó, nó cũng thu hút sự quan tâm của nhiều học giả từ các lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, chính sách, marketing, phát triển bền vững, môi trường, sinh thái, nông thôn, đô thị,…

Tác giả và sự ảnh hưởng của tác giả trong lĩnh vực du lịch nông nghiệp

Figure 4 . Bản đồ trực quan hóa mạng lưới đồng tác giả nghiên cứu du lịch nông nghiệp (Nguồn: Kết quả tác giả phân tích từ phần mềm VOSviewer, 2024)

Quá trình tổng quan tài liệu của tác giả cho thấy rằng các nghiên cứu du lịch nông nghiệp có sự hợp tác của từ 2 tác giả trở lên là chủ yếu (trung bình 2.92 tác giả/bài báo ). Ưu thế của việc nghiên cứu hợp tác sẽ giúp cho các chủ đề du lịch nông nghiệp đa dạng về nội dung, phạm vi và chất lượng của bài báo.

Sử dụng phần mềm VOSviewer để thực hiện trắc lượng thư mục cũng góp phần tìm hiểu những tác giả có những nghiên cứu ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực du lịch nông nghiệp hiện nay. Figure 4 cho thấy Carla Barbier là tác giả có ấn phẩm nghiên cứu liên quan đến du lịch nông nghiệp được trích dẫn nhiều (1108 lượt) trong số mạng lưới những tác giả có số lượt trích dẫn lớn hơn 50 được xuất hiện. Hướng nghiên cứu của Carla Barbier tập trung vào du lịch nông nghiệp, phúc lợi nông thôn và tính bền vững trong du lịch. Trong đó, những nghiên cứu về định nghĩa du lịch nông nghiệp 10 và những lợi ích mang lại cho các bên liên quan 6 của tác giả Carla Barbier đã đặt nền tảng cho những nghiên cứu mở rộng hơn về chủ đề du lịch nông nghiệp.

Phân bố địa lý của các nghiên cứu

Figure 5 . Bản đồ trực quan hóa lớp phủ đóng góp của các quốc gia trong nghiên cứu du lịch nông nghiệp giai đoạn 1980-2024 (Nguồn: Tác giả phân tích từ phần mềm VOSviewer, 2024)

Nguồn cơ sở dữ liệu Scopus thực hiện phân tích VOSviewer cho thấy thêm sự đóng góp của các quốc gia trong nghiên cứu du lịch nông nghiệp một cách rõ ràng nhất. Từ Figure 5 , ta có thể nhận thấy Hoa Kỳ, Trung Quốc, Ba Lan, Italy là những quốc gia có đóng góp cao nhất về số lượng bài viết công bố liên quan đến du lịch nông nghiệp. Quang phổ màu sắc cho thấy các quốc gia này cũng sớm thể hiện sự quan tâm và có những chính sách đẩy mạnh tăng cường kết hợp với các ngành công nghiệp khác 26 , 27 . Đây là một trong những lý do chính tạo nên sự thống trị của các quốc gia này trong lĩnh vực nghiên cứu du lịch nông nghiệp. Độ đậm nét của các đường nối bong bóng cho thấy sự hợp tác, cộng tác giữa các quốc gia trong nghiên cứu du lịch nông nghiệp và đang dần trở thành xu hướng chung.

Bản đồ trực quan hóa lớp phủ mạng trong Figure 5 còn xác định được thời gian xuất hiện các nghiên cứu ở những quốc gia trên. Ngoài những quốc gia đã có nhiều công bố liên quan đến du lịch nông nghiệp kể trên thì trong những năm gần đây có sự gia tăng vượt bậc về số lượng công bố ở các quốc gia châu Á, nơi có nền nông nghiệp chủ yếu như Indonesia, Thái Lan, Iran, Malaysia, Ấn Độ và trong đó có cả Việt Nam. Điều này cho thấy rằng các quốc gia có thế mạnh nông nghiệp cũng đã bắt đầu có sự quan tâm đáng kể đến lĩnh vực du lịch nông nghiệp, vốn mang lại nhiều lợi ích kinh tế, văn hóa, môi trường, xã hội và phát triển bền vững cho khu vực nông thôn.

Các tạp chí phổ biến có ấn phẩm công bố về du lịch nông nghiệp

Phân tích dòng thời gian của các bài nghiên cứu cho thấy sự liên tục xuất hiện trên các tạp chí. Nhìn vào Figure 6 có thể thấy được các dải màu của tạp chí xuất bản là liên tục từ xanh dương (2014) đến vàng (2022). Các tạp chí đã xuất bản trong khoảng giữa thời gian từ 2014-2022 được thể hiện bằng màu xanh lá cây. Figure 6 cho thấy từ năm 2014, các bài nghiên cứu về du lịch nông nghiệp được xuất bản chủ yếu trên các tạp chí Journal of Travel Research, Tourism Management, Journal of Sustainable Tourism. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các công trình này lại được xuất bản nhiều hơn trên tạp chí Sustainability.

Figure 6 . Các tạp chí có ấn phẩm công bố về du lịch nông nghiệp

KẾT LUẬN

Quá trình tổng quan tài liệu về du lịch nông nghiệp thông qua trắc lượng thư mục cho thấy rằng trong hơn bốn thập kỷ vừa qua, số lượng các bài nghiên cứu cũng như số lượng tác giả đã có sự gia tăng liên tục và vẫn đang phát triển trong thời gian tới. Song song về sự gia tăng số lượng ấn phẩm công bố thì các chủ đề nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực du lịch nông nghiệp cũng được mở rộng và đa dạng hơn. Các phân tích từ khóa, phân tích trắc lượng thư mục và thể hiện thông qua hình ảnh được vẽ từ phần mềm VOSviewer đã giúp quá trình tổng quan tài liệu được trực quan, nhanh chóng xác định được các từ khóa có tần suất lặp lại cao, sự ảnh hưởng của các nhà nghiên cứu lớn trong lĩnh vực, sự hợp tác đồng trích dẫn,… Từ đó thấy được phần nào các nghiên cứu chính về du lịch nông nghiệp đang được thực hiện trong giai đoạn hiện nay. Có sự đan xem giữa các nhóm nghiên cứu về du lịch nông nghiệp thông qua các chủ đề bảo tồn, đánh giá tiềm năng lợi ích, phát triển bền vững, sự tham gia, nhận thức của các bên liên quan. Các nghiên cứu cũng chỉ ra được những quốc gia có đóng góp đáng kể về số lượng bài viết về du lịch nông nghiệp tập trung chủ yếu ở các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Italy,… Trong khi đó, các quốc gia đang phát triển và có kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp thì mới chỉ tham gia nghiên cứu về chủ đề này trong thời gian gần đây. Ngoài ra, giới hạn của bài tổng quan mới chỉ dừng lại trong cơ sở dữ liệu Scopus, tuy là một trong những cơ sở dữ liệu lớn nhất nhưng vẫn không thể bao quát toàn bộ mà mới chỉ khái quát được một phần các nghiên cứu về lĩnh vực du lịch nông nghiệp. Các công trình tổng quan dựa trên các nguồn cơ sở dữ liệu khác có thể là hướng nghiên cứu bổ sung, mở rộng cho chủ đề về du lịch nông nghiệp trong tương lai.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ Đề tài mã số TC2024-04.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bản thảo này không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả thực hiện tất cả các phần trong quá trình nghiên cứu.

Nghiên cứu này đóng góp một phần nhỏ sự hiểu biết chung về vấn đề du lịch nông nghiệp trên thế giới thông qua nghiên cứu tổng quan về các công bố có liên quan đến du lịch nông nghiệp trên hệ thống dữ liệu Scopus. Bài viết phần nào tóm lược các chủ đề nghiên cứu chính về du lịch nông nghiệp đã được thực hiện từ đó giúp làm tiền đề cho các nghiên cứu tiếp theo về du lịch nông nghiệp trong tương lai.

References

  1. Barbieri C. Agritourism research: a perspective article. Tour Rev. 2020;75(1):149-52. . ;:. Google Scholar
  2. Rauniyar S, Awasthi MK, Kapoor S, Mishra AK. Agritourism: structured literature review and bibliometric analysis. Tour Recreat Res. 2021;46(1):52-70. . ;:. Google Scholar
  3. Busby G, Rendle S. The transition from tourism on farms to farm tourism. Tour Manag. 2000;21(6):635-42. . ;:. Google Scholar
  4. Somervail P, Flanigan S, McKee A, Hopkins J. Agritourism in Scotland: a review of literature, current context, and trajectory. 2022. . ;:. Google Scholar
  5. Wicks BE, Merrett CD. Agritourism: An Economic Opportunity for Illinois. Defining Agritourism: The Agricultural Perspective. Defining Agritourism: The Tourism Perspective. 2003;14(9):1-8. . ;:. Google Scholar
  6. Gil Arroyo C, Barbieri C, Rozier Rich S. Defining agritourism: A comparative study of stakeholders' perceptions in Missouri and North Carolina. Tour Manag. 2013;37:39-47. . ;:. Google Scholar
  7. Flanigan S, Blackstock K, Hunter C. Generating public and private benefits through understanding what drives different types of agritourism. J Rural Stud. 2015;41:129-41. . ;:. Google Scholar
  8. Phillip S, Hunter C, Blackstock K. A typology for defining agritourism. Tour Manag. 2010;31(6):754-8. . ;:. Google Scholar
  9. Barbieri C, Mshenga PM. The role of the firm and owner characteristics on the performance of agritourism farms. Sociol Ruralis. 2008;48(2):166-83. . ;:. Google Scholar
  10. Tew C, Barbieri C. The perceived benefits of agritourism: The provider's perspective. Tour Manag. 2012;33(1):215-24. . ;:. Google Scholar
  11. Barbieri C, Mahoney E. Why is diversification an attractive farm adjustment strategy? Insights from Texas farmers and ranchers. J Rural Stud. 2009;25(1):58-66. . ;:. Google Scholar
  12. Nickerson NP, Black RJ, McCool SF. Agritourism: Motivations behind farm/ranch business diversification. J Travel Res. 2001;40(1):19-26. . ;:. Google Scholar
  13. Gomes E, Abrantes P, Banos A, Rocha J, Buxton M. Farming under urban pressure: Farmers' land use and land cover change intentions. Appl Geogr. 2019;102:58-70. . ;:. Google Scholar
  14. Ammirato S, Felicetti AM, Raso C, Pansera BA, Violi A. Agritourism and sustainability: What we can learn from a systematic literature review. Sustain. 2020;12(22):1-18. . ;:. Google Scholar
  15. Lupi C, Giaccio V, Mastronardi L, Giannelli A, Scardera A. Exploring the features of agritourism and its contribution to rural development in Italy. Land Use Policy. 2017;64:383-90. . ;:. Google Scholar
  16. McGehee G, Kim K, Jennings G. Gender and motivation for agri-tourism entrepreneurship. Tour Manag. 2007;28:289-89. . ;:. Google Scholar
  17. Godoy D, et al. The future of food and agriculture: trends and challenges. 2014. . ;:. Google Scholar
  18. Ahmi A, Mohd Nasir MH. Examining the trend of the research on extensible business reporting language (XBRL): A bibliometric review. Int J Innov Creat Chang. 2019;5(2). . ;:. Google Scholar
  19. Ho YS. Bibliometric analysis of adsorption technology in environmental science. J Environ Prot Sci. 2007;1:1-10. . ;:. Google Scholar
  20. Eck NJ, Waltman L. Software survey: VOSviewer, a computer program for bibliometric mapping. Scientometrics. 2010;84(2):523-38. . ;:. PubMed Google Scholar
  21. Eck NJ, Waltman L. Citation-based clustering of publications using CitNetExplorer and VOSviewer. Scientometrics. 2017;111(2):1053-70. . ;:. PubMed Google Scholar
  22. Abrizah A, Zainab AN, Kiran K, Raj RG. LIS journals scientific impact and subject categorization: A comparison between Web of Science and Scopus. Scientometrics. 2013;94(2):721-40. . ;:. Google Scholar
  23. Trà NT. Chỉ dẫn trích dẫn - một sản phẩm của trắc lượng thư mục. 2021. . ;:. Google Scholar
  24. Annesley TM. The title says it all. Clin Chem. 2010;56(3):357-60. . ;:. PubMed Google Scholar
  25. Zakaria R, Ahmi A, Ahmad AH, Othman Z. Worldwide melatonin research: A bibliometric analysis of the published literature between 2015 and 2019. Chronobiol Int. 2021;38(1):27-37. . ;:. PubMed Google Scholar
  26. Ollenburg C. Regional Signatures and Trends in the Farm Tourism Sector. Tour Recreat Res. 2008;33(1):13-23. . ;:. Google Scholar
  27. Baum S. The tourist potential of rural areas in Poland. East Eur Countrys. 2011;17(1):107-35. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 3 (2024)
Page No.: 2664-2672
Published: Sep 30, 2024
Section: Reviews - Science Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i3.1001

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tran, V. (2024). The overview of agritourism through the bibliometric analysis using VOSviewer. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 8(3), 2664-2672. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v8i3.1001

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 195 times
PDF   = 116 times
XML   = 0 times
Total   = 116 times