VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities

A sub-journal of VNUHCM Journal of Science and Technology Development since 2017

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research Article - Social Sciences

HTML

861

Total

291

Share

Independence of the maid in Binh Tan District, Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Housework is a very important profession in modern society. In urban areas, the demand for skilled housework is high, but the quality of the labor force is low, resulting in a shortage of labor. The scope of the report is the women who work as a maid in Binh Tan District. This is a suburban district where many young couples choose to settle and they have a high need for helpers. The maid is also "liberated" when they participate in the job to earn their income. The research team is interested in two groups of female maids who currently live and work in two different spaces (apartment buildings and residential area). With qualitative research methods, the authors conducted in-depth interviews with 15 female assistants in Hai Thanh apartment building and residential in Binh Tri Dong B ward, Binh Tan district, Ho Chi Minh city. Each interviewee was approached by the authors at least twice with the observation method. The authors obtained the results of the self-help of the female assistants by 05 contents: resolving the conflict between housework with the owner; make income of housework; building social relationships; know and enforce labor law; planning future plans of housework.


 

Mở đầu

Theo khảo sát của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) (2012)), GVGĐ là một trong 32 nghề khó tuyển dụng nhất hiện nay. Qua các nghiên cứu về lao động GVGĐ đều chỉ ra nhu cầu xã hội về sử dụng lao động GVGĐ ngày càng tăng lên qua các năm. Dự báo số lượng việc làm trong ngành “hoạt động làm thuê trong các hộ gia đình” năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 63% so với năm 2008 (từ khoảng 157.000 lên 246.000 người). Ngày 25-9-2015, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng (CFCD) tổ chức hội thảo giới thiệu tiêu chuẩn năng lực nghề GVGĐ. Dự báo đến năm 2020, thị trường lao động GVGĐ nội địa có thể lên tới 350.000 người. Theo số liệu khảo sát của Trung tâm này, có 90% người GVGĐ chưa được đào tạo nghề và chủ yếu làm theo kinh nghiệm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều phát sinh mâu thuẫn với gia đình chủ nhà trong quá trình làm việc. Chính vì vậy trong bài viết này, nhóm nghiên cứu quan tâm đến thông tin người giúp việc thích ứng với công việc ở gia đình chủ nhà như thế nào? Họ đã giải quyết các mâu thuẫn với chủ nhà ra sao?

Phần lớn người lao động GVGĐ hay xung đột với chủ nhà của mình. Tuy nhiên, chính yếu tố kinh tế (thu nhập) nên họ sẵn sàng tiếp tục công việc, hoặc từ bỏ để tìm một người chủ mới tốt hơn hoặc có mức thu nhập cao hơn. Nhóm nghiên cứu muốn tìm hiểu với mức thu nhập hiện tại thì nhóm nữ GVGĐ sử dụng tiền lương kiếm được như thế nào và sử dụng vào mục đích gì? Theo một khảo sát mới được công bố của Trung tâm Quốc gia dự báo và thông tin thị trường lao động (Cục Việc làm - Bộ LĐTBXH), có tới 49,3% số người giúp việc không làm được nhiều việc, 50,7% đòi yêu sách và 56,7% hay xin về nhà. Tuy có nhiều điểm yếu và hạn chế về chất lượng làm việc, nhưng do thiếu nguồn cung nên phần lớn các gia đình có nhu cầu tại các đô thị vẫn phải “chiều” theo mọi yêu cầu của người giúp việc. Bản thân những người giúp việc muốn làm việc lâu dài hay tạm thời? Nhóm nghiên cứu cũng quan tâm đến yếu tố “yêu nghề” của nhóm đối tượng GVGĐ. GVGĐ là nghề được họ lựa chọn làm việc lâu dài hay là bước đệm cho việc họ chọn lựa một nghề khác (ví dụ tạp vụ cho một công ty). Điều này được nhóm nghiên cứu khai thác qua yếu tố hoạch định cho tương lai của nhóm nữ GVGĐ tại quận ven Bình Tân.

Tìm được người giúp việc nhà ưng ý là điều rất khó với nhiều người có nhu cầu, nhất là ở các đô thị lớn như TP.HCM. Người tuyển dụng tìm kiếm người giúp việc tại một số Trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) có uy tín cũng vô vọng, trong khi đăng báo rao tuyển hoặc qua trung gian cũng không yên tâm 1 . Theo kết quả khảo sát của nhóm, có 93,3% người trả lời phỏng vấn tìm việc làm không thông qua Trung tâm GTVL. Chủ nhà và người giúp việc tìm đến với nhau thông qua những người quen biết giới thiệu. Mạng lưới xã hội của những người giúp việc được đề cao trong vai trò GTVL tại đô thị. Vai trò mạng lưới xã hội của những người giúp việc càng thể hiện rõ trong môi trường sống của những khu chung cư, nơi có không gian sinh hoạt chung vào những thời điểm nhất định trong ngày. Như vậy, các mối quan hệ xã hội giữa những người giúp việc với nhau và quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc được hình thành như thế nào?

Trong Dự thảo Bộ LLĐ sửa đổi tại Điều 191 có nêu: “Người GVGĐ là người lao động được người sử dụng thuê để làm thường xuyên các công việc trong gia đình của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình là: nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại” . Trên cơ sở các vấn đề được nêu ra và việc căn cứ vào tình hình thực tiễn về lao động GVGĐ tại các khu chung cư quận Bình Tân, nhóm chúng tôi chú ý lao động nữ GVGĐ là những người được trả tiền công trên cơ sở thỏa thuận để thực hiện các công việc cho gia đình như: đi chợ, nấu ăn, vệ sinh nhà cửa, lau chùi, dọn dẹp, giặt giũ ...; chăm sóc các thành viên trong gia đình như người già, trẻ em, phụ nữ mang thai/ sau khi sinh, người khuyết tật. Nhóm tác giả còn tìm hiểu xem nhóm đối tượng này có biết về Luật dành cho người GVGĐ hay không?

Những câu hỏi nghiên cứu trên giúp nhóm tác giả hiểu rõ hơn về tính tự lập của nữ GVGĐ mà những nghiên cứu trước đó chưa đề cập. Xét về lược sử nghiên cứu thì GVGĐ vẫn là đề tài mới, nhất là trong những nghiên cứu về giới. Có thể kể đến một số nghiên cứu gần với chủ đề của nhóm tác giả quan tâm như:

+ Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hòa 2 , Lao động nữ di cư giúp việc nhà từ đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM , Viện Khoa học Xã hội Nam Bộ (VNH3.TB6.693). Tuy nhiên, tác giả trong bài báo này lựa chọn mục tiêu nghiên cứu là việc đóng góp của nữ GVGĐ cho vùng đi (cụ thể là tại phường 9, thị xã Trà Vinh) cũng như những yếu tố đẩy nhóm đối tượng này di dân.

+ Nghiên cứu của Đỗ Thị Như Tâm (1999) 3 về “ May nhờ, rủi chịu. Người giúp việc nhà tại TP.HC M” do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Đây là tài liệu trong chùm tài liệu trang bị kiến thức về HIV/AIDS cho nhóm dân cư lưu động do tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam chỉ đạo thực hiện và tài trợ. Tài liệu này cho thấy, những người giúp việc nhà ở TP.HCM thiếu kiến thức về HIV/AIDS và những hiểu biết của họ về việc chăm sóc sức khỏe.    

+ Bài báo “ Nghề giúp việc - nhu cầu đột biến ” của Nguyễn Bảy (2003) 4 cho thấy hiện nay nhu cầu về giúp việc nhà rất lớn, và tỷ lệ đáp ứng chỉ được 1/20.

+ Bài báo “ Buồn vui nghề giúp việc gia đìn h” của tác giả Võ Nguyệt Thương (2004) 5 nêu lên một thực tế đáng buồn là giúp việc nhà ở Việt Nam chưa được coi là một nghề và chưa được pháp luật bảo hộ.

+ Bài báo “ Kinh doanh Oshi n” của Hoàng Diệp (2005) 6 cung cấp một số thông tin về nhu cầu tìm người giúp việc nhà tại Hà Nội và những khó khăn thực tế trong quan hệ giữa chủ nhà và người giúp việc.

Nhìn chung vấn đề về GVGĐ tại các khu vực đô thị là vấn đề đang được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Để nhận định rõ bức tranh của nữ GVGĐ tại khu vực đô thị cụ thể là khu vực ven đô như Bình Tân, nhóm chúng tôi tập trung thể hiện tính tự lập của nữ GVGĐ qua thu nhập và vai trò với gia đình, qua việc giải quyết các mâu thuẫn, hình thành các mối quan hệ xã hội hoặc hoạch định kế hoạch tương lai. Tuy nhiên, nhóm tác giả chỉ dừng lại trong bối cảnh nghiên cứu của khu vực quận ven Bình Tân. Đây là nơi không có đặc trưng toàn người thu nhập cao như khu vực ven đô của Phú Mỹ Hưng hoặc Thủ Thiêm. Bình Tân là quận ven với sự pha trộn của ba nhóm dân cư: dân tại chỗ (định cư lâu đời), dân nhập cư (từ các tỉnh khác đến) và dân cư mới (từ trung tâm chuyển ra hoặc ở địa phương khác đến) 7 . Phần lớn nữ GVGĐ tại quận Bình Tân làm việc trong nhóm đối tượng dân cư mới này.

Địa bàn nghiên cứu

Nữ GVGĐ trong bài viết này đặt trong bối cảnh của khu vực ven đô Bình Tân. Vùng ven đô là nơi thể hiện đặc trưng của một khu vực chuyển tiếp giữa nông thôn và đô thị. Với đặc trưng của đô thị khu vực Đông Nam Á, vùng ven luôn gắn liền với khái niệm “Desakota” 8 . Thuật ngữ này được tác giả Terry McGee nhắc tới vào năm 1991, phiên bản từ tiếng Ấn Độ, Desa nghĩa là “làng”, Kota nghĩa là “thành phố”. Thuật ngữ này được dùng khi nói đến vùng ven của các siêu đô thị của các nước Đông Nam Á, nơi thu hút phần lớn dân nhập cư từ các vùng nông thôn làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, người dân từ khu vực trung tâm ra ven đô để mua đất và xây nhà định cư. Vùng ven đô TP.HCM cũng không nằm ngoài đặc trưng đó, nơi có sự chuyển dịch mạnh mẽ các hoạt động nông nghiệp sang hoạt động phi nông nghiệp. Vùng ven đô TP.HCM còn là nơi giãn dân của nhóm dân trí thức ở nội thành hay các cặp vợ chồng trẻ chọn mua nhà sinh sống. Họ chọn vùng ven để giảm chi phí đắt đỏ cho khu vực trung tâm. Dân nhập cư từ các tỉnh/ thành chọn nơi đây vì những yếu tố được xem là “dễ sống” hơn khu vực trung tâm về mức sống và việc làm. Sự tập trung những thành phần dân cư khác nhau tại khu vực này tạo thành một bức tranh xã hội với sự hòa lẫn của ba nhóm dân cư. Chính vì thế đã làm cho dân số quận ven đô Bình Tân tăng lên nhanh chóng và đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa của cư dân ven đô không ngừng thay đổi. Những “thành phố mới” 9 hay còn gọi là những khu dân cư quy hoạch bởi những dự án mới không ngừng mọc lên tại quận ven Bình Tân.

Quận ven Bình Tân phát triển và được tách ra từ huyện Bình Chánh theo Quyết định số 130/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2003 bao gồm 10 phường. Bình Tân là một trong những quận vùng ven của TP.HCM, là đầu mối thông thương giữa thành phố với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đang trong quá trình phát triển và đô thị hóa mạnh. Với tốc độ tăng trưởng dân số nhanh nên quy mô dân số của quận từ 254.364 người năm 2004 tăng lên 655.244 người năm 2013 (Niêm giám Thống kê quận Bình Tân năm 2004 và 2013). Các cặp vợ chồng trẻ hay các gia đình thuộc tầng lớp trung lưu sinh sống tại quận ven Bình Tân chọn giải pháp thuê người giúp việc để có thể yên tâm gửi con hoặc yên tâm khi có người chăm sóc gia đình để đi làm.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài này là những người nữ lao động GVGĐ tại khu vực quận Bình Tân. Nhóm nghiên cứu quan tâm đến tính tự lập của hai nhóm nữ GVGĐ hiện dang sống và làm việc trong hai không gian khác nhau (khu chung cư và nhà mặt phố).

Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này nhóm tác giả sử dụng các phương pháp sau:

   - Biểu đồ thời gian

Công cụ này giúp nhóm có những nhận định chính xác về những hoạt động của nữ GVGĐ tại các khu chung cư và sự khác biệt về thời gian hoạt động của nhóm GVGĐ này với nhóm GVGĐ được thuê ngoài khu vực chung cư. Việc lập biểu đồ thời gian về hoạt động trong không gian chung (phía dưới khu chung cư) của những người GVGĐ được tiến hành song song với phương pháp điều tra xã hội học.

- Thu thập dữ liệu thứ cấp

Thông tin thu thập cho nghiên cứu rất đa dạng, bao gồm: tạp chí và báo cáo khoa học trong ngành, tạp chí và báo cáo khoa học liên ngành, sách chuyên ngành, số liệu thống kê ... Trên cơ sở các tài liệu thu thập, nhóm tiến hành lựa chọn và xử lý (phân tích, tổng hợp, so sánh) nhằm chọn lọc những thông tin cần thiết cho nội dung đề tài. Vận dụng phương pháp này giúp nhóm nghiên cứu khái quát được cơ sở lí luận và thực tiễn; các chủ trương và chính sách liên quan đến nữ lao động GVGĐ tại quận ven Bình Tân từ những công trình trước đây.

   - Thu thập dữ liệu sơ cấp

Với phương pháp nghiên cứu định tính, nhóm tác giả thực hiện phỏng vấn sâu 15 nữ GVGĐ tại khu chung cư Hai Thành và khu nhà phố thuộc phường Bình Trị Đông B, Quận Bình Tân. Mỗi đối tượng phỏng vấn tiến hành ít nhất 2 lần thông qua cách chọn mẫu theo phương thức tình cờ tiện lợi và quả cầu tuyết. Thông tin phỏng vấn sâu được phân loại và sắp xếp theo các chủ đề phân tích liên quan đến tính tự lập của nữ GVGĐ. Để có kết quả nghiên cứu, nhóm đã tiến hành chạy ma trận trên phần mềm Microsoft Excel với những nội dung có trong kết quả phỏng vấn sâu. Nhóm nghiên cứu thu được kết quả về tính tự lập của nữ GVGĐ thể hiện qua Figure 1 , bao gồm:

  1. Giải quyết mâu thuẫn với chủ nhà

  2. Thu nhập và vai trò với gia đình

  3. Xây dựng các mối quan hệ xã hội

  4. Biết và thi hành LLĐ

  5. Hoạch định kế hoạch tương lai

Figure 1 . Nội dung nghiên cứu tính tự lập của nữ GVGĐ tại quận ven Bình Tân.

Quan điểm tiếp cận tính tự lập của nữ GVGĐ tại quận ven Bình Tân

Quan điểm vì sự phát triển cá nhân của con người nhìn từ góc độ vốn xã hội

Theo Pierre Bourdieu (1986) - nhà xã hội học người Pháp, vốn xã hội là một mạng lưới lâu bền bao gồm các mối liên hệ quen biết nhau và nhận ra nhau [những mối liên hệ này] ít nhiều đã được định chế hóa”. Ông cho rằng “khối lượng vốn xã hội của một tác nhân cụ thể nào đó phụ thuộc vào mức độ liên hệ rộng hay hẹp mà anh ta có thể huy động được trong thực tế, và vào khối lượng vốn của từng người mà anh ta có liên hệ...” Bourdieu cũng quan niệm rằng các loại vốn: vốn xã hội, vốn kinh tế, vốn văn hóa và vốn biểu tượng có thể chuyển hóa lẫn nhau 10 . Giống như đa số những người nhập cư từ nông thôn lên thành thị, giữa những nữ GVGĐ cũng có các mối liên hệ đồng hương. Thông thường người nhập cư vào thành phố theo cách “ người đi trước rước người đi sau ”, một số người đã có việc làm ở thành phố và họ thấy có thể sống được nên đã rủ thêm họ hàng và bạn bè. Từ đó, họ GTVL cho nhau và giúp đỡ nhau trong công việc hàng ngày, chẳng hạn như cạo gió giúp bạn lúc đau ốm, cho bạn mượn tiền chữa bệnh.

Quan điểm về chính sách bảo vệ người lao động

LLĐ của Việt Nam 11 có 5 Điều luật, từ Điều 179 đến Điều 183 Bộ LLĐ năm 2012 và tại Điều 3 - Nghị định số 27/2014/NĐ-CP đã quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ LLĐ về lao động là người GVGĐ được xác định là người lao động làm thường xuyên các công việc trong gia đình (là các công việc trong hợp đồng lao động được lặp đi lặp lại theo một khoảng thời gian nhất định (hằng giờ, hằng ngày, hằng tuần hoặc hằng tháng) của một hoặc nhiều hộ gia đình. Các công việc trong gia đình bao gồm công việc nội trợ, quản gia, chăm sóc trẻ, chăm sóc người bệnh, chăm sóc người già, lái xe, làm vườn và các công việc khác cho hộ gia đình nhưng không liên quan đến hoạt động thương mại. Trong đó, bao gồm người lao động sống tại gia đình người sử dụng lao động và người lao động không sống tại gia đình người sử dụng lao động.

Công ước Quốc tế 189 hướng dẫn pháp luật và chính sách của các nước về cách thức bảo vệ người lao động GVGĐ. Mặc dù còn tồn tại một khoảng cách đáng kể giữa các quy định của Công ước và thực tế của nhiều quốc gia, nhưng một số quy định tiến bộ đang được triển khai thực hiện. Chẳng hạn như người lao động GVGĐ ở Malaysia và Đài Loan đạt được quyền hưởng lương làm ngoài giờ; còn ở Singapore, người GVGĐ được quyền có giờ/ ngày nghỉ. Ở Mỹ, có tuyên ngôn các quyền cơ bản của người GVGĐ, có hiệu lực lần đầu ở tiểu bang New York vào năm 2010, sau đó lan ra các tiểu bang khác. Trong tuyên ngôn này, người GVGĐ được hưởng lương làm ngoài giờ, có một ngày nghỉ trong bảy ngày, mỗi năm được hưởng ba ngày nghỉ phép có lương (đối với cùng một chủ lao động), được luật pháp bảo vệ các quyền con người, chống mọi hành động quấy rối về tình dục và về chủng tộc.

Quan điểm bình đẳng giới tiến tới hội nhập quốc tế

Theo quan điểm Giới và phát triển, vai trò phụ nữ được nâng cao, tiếng nói của phụ nữ được người khác lắng nghe và phụ nữ tham gia vào quá trình ra quyết định một cách chủ động và tích cực. Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, chiếm 48,4% lực lượng lao động. Tuy nhiên, phụ nữ thường tham gia vào các công việc không chính thức và dễ bị tổn thương. Theo Điều tra về Nhà ở và mức sống hộ gia đình (VHLSS) năm 2008, chỉ có 24,2% phụ nữ làm các công việc phi nông nghiệp trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 35,5%. Do thiếu việc làm ở nông thôn nên nhiều phụ nữ đã di cư ra thành thị để làm công việc GVGĐ.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Lí do lựa chọn “nghề’’ GVGĐ của đối tượng nghiên cứu

Theo kết quả điều tra của nhóm trong nghiên cứu này cho thấy, các đối tượng lao động chính của công việc GVGĐ khảo sát tại quận Bình Tân là nữ nhập cư (100%), không có người GVGĐ nào là nam và là dân tại chỗ. Kết quả này gắn với đặc trưng của khu vực ven đô TP.HCM nói chung và quận ven Bình Tân nói riêng, nơi có sự pha trộn giữa nông thôn - đô thị, truyền thống - hiện đại và hội tụ của ba nhóm dân cư. Dân nhập cư là một phần không thể thiếu để tạo nên không gian đặc trưng của khu vực ven đô. Tại sao nữ nhập cư lại lựa chọn “nghề” GVGĐ khi di cư đến quận Bình Tân? Chúng ta biết rằng, nữ nhập cư đến từ khu vực nông thôn với vai trò là nội trợ trong gia đình của họ. Khi trở thành GVGĐ thì vai trò này của họ càng được phát huy và phù hợp với khả năng mà nhóm lao động nữ nhập cư đã lựa chọn. Ngoài ra, công việc GVGĐ còn gắn liền với văn hóa truyền thống của người Việt “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.

Tuy vậy, GVGĐ chưa được xem là một cái “nghề” 12 , và nó đã từng là công việc thấp kém trong xã hội trước đây với những tên gọi như ở đợ, con sen. Sau năm 1975 ở khu vực nông thôn, vẫn còn có cái nhìn không thiện cảm đối với nhóm lao động này. “Công việc này khi xưa gia đình nào thấp, hay đi ở đợ cho người khác. Kể cả sau này hòa bình rồi, trong xóm tui có ai mà lên thành phố để làm giúp việc thì họ không dám nói ra đâu, cả xóm sẽ cười vào gia đình vì đó là cấp bậc hèn hạ, có con đi giặt quần mướn cho người khác” (MPV14). Thực tế cho thấy, nhu cầu người giúp việc ngày càng cao tại các khu vực đô thị hiện nay. Nhất là trong một xã hội mà tính tự lập của nữ GVGĐ cần được đề cao khi họ quyết định di dân và lựa chọn công việc mà mình yêu thích. Tất cả người tham gia trả lời phỏng vấn đều cho rằng, hiện tại họ không còn cảm thấy mặc cảm với công việc GVGĐ. “ Bây giờ tui thấy không có gì mắc cỡ khi phải làm GVGĐ. Về quê người ta gặp tui họ mừng lắm, họ hỏi tui chủ nhà có tốt không? Tui nói tốt, họ còn khen tui trắng và mập ra nữa ” (MPV8).

Nếu như nghiên cứu trước đó cho rằng “GVGĐ là một công việc mang tính ép buộc “đối với nữ nhập cư13 thì kết quả nghiên cứu này cho thấy phụ nữ chọn nghề GVGĐ vì cảm thấy phù hợp với bản thân và yêu thích công việc. Có tới 11/15 nữ GVGĐ thích không khí làm việc hiện tại với công việc GVGĐ, 10/15 nữ GVGĐ xác định sẽ làm công việc này lâu dài. “Tui thích công việc này vì ở quê tui cũng quen làm việc nhà rồi, với lại tui yêu trẻ con lắm, nếu không làm giúp việc ở đây thì tui làm chỗ khác, vì tui làm quen rồi” (MPV2). MPV2 đã làm nghề GVGĐ hơn 10 năm nay. Chị đã thay đổi công việc nhiều lần bởi những lý do khác nhau. Tuy nhiên chị vẫn chọn công việc này với tinh thần tự nguyện và yêu nghề. Ngoài ra, một trong những yếu tố quyết định việc lựa chọn công việc GVGĐ là do yếu tố thu nhập khi di cư.

Thu nhập của nghề GVGĐ tại quận ven Bình Tân, TP.HCM

Lực hút về kinh tế là nguyên nhân dễ nhận ra nhất cho đối tượng nữ di dân. Hầu hết người phỏng vấn cho rằng, cuộc sống của họ khá hơn khi họ rời quê hương lên thành phố làm GVGĐ. Kết quả Báo cáo nghiên cứu mới nhất của Oxfam 12 , GFCD, Rosa Luxemburg Stiftung, khẳng định lại lần nữa thu nhập từ lao động GVGĐ cao hơn công việc mà người lao động đã làm ở địa phương. Mức thu nhập trung bình của người giúp việc sống cùng với chủ nhà theo nghiên cứu của tổ chức này là 3.000.000 VNĐ/tháng (Xem Table 1 ).

Table 1 Mức tiền công của lao động GVGĐ và tiền công của một số công việc khác
STT Một số công việc Tiền công
1 Thu nhập bình quân của lao động nông nghiệp 1.340.000
2 Mức lương của việc làm ổn định mà người lao động có thể kiếm được 1.691.000
3 Mức tiền công phổ biến của lao động tự do 1.990.000
4 Mức tiền công của công nhân trong doanh nghiệp/ nhà máy 2.928.000
5 Mức tiền công của người giúp việc sống cùng 3.000.000
6 Mức tiền công của người giúp việc không sống cùng 2.933.000

Tại địa bàn quận Bình Tân, thu nhập trung bình của nhóm đối tượng được khảo sát là 4.800.000 VNĐ/tháng, trong đó có 7/15 số người được phỏng vấn đạt thu nhập từ 5.000.000 đến 7.000.000 VNĐ/tháng. Nhóm đối tượng này rơi vào nhóm GVGĐ ở chung cư, họ có làm thêm công việc bên ngoài khi chủ đi làm, hoặc khi họ rảnh. Với mức thu nhập này, nhóm tác giả đánh giá là cao so với mặt bằng chung của dân lao động nhập cư của khu vực ven đô 14 . Đây là nhóm đối tượng người giúp việc ở chung với chủ nên họ không phải mất tiền ăn ở, số tiền mà họ kiếm được có thể tích góp hoặc gửi về quê phụ giúp cho người thân trong gia đình. Kết quả khảo sát cũng cho thấy, 8/15 số lượng nữ GVGĐ là góa hoặc li dị, điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ là những người trụ cột chính, làm việc kiếm thu nhập và nuôi con. “ Cô đã li dị chồng, một mình nuôi ba đứa con đến lớn, bây giờ có cháu mà gia đình nó nghèo quá nên cô cũng phải phụ. Tiền cô làm được là gửi hết cho tụi nó. Con gái thứ 3 đang mổ nằm ở Bệnh viện Ung Bướu nên phải lo nữa ” (MPV14). Bên cạnh đó, có 12/15 số người được hỏi là những người có con, cháu hoặc chồng ở quê cho rằng nỗi lo lớn nhất của họ là nuôi gia đình, số tiền kiếm được họ chi tiêu chủ yếu cho con cháu hoặc phụ giúp gia đình. Có 5/15 người phỏng vấn có chồng nhưng vai trò của người chồng cũng bị lu mờ trong đóng góp kinh tế cho gia đình hoặc mất sức lao động không thể làm việc tạo thu nhập cho gia đình. “ Tui còn con nhỏ dưới quê đi học nên hàng tháng tui gửi tiền về cho nó đi học, ở quê chồng tui không đi làm gì hết, ông bệnh nên ở nhà, sống chủ yếu nhờ vào tiền tui gửi về ” (MPV4).

Kết quả khảo sát cho thấy, người phụ nữ trong nhóm lao động nhập cư làm công việc GVGĐ có vai trò rất lớn trong việc tạo thu nhập cho gia đình họ. Ngoài ra, để tạo thêm thu nhập gửi về quê, một nhóm nữ GVGĐ làm thêm ngoài giờ với những công việc như may gối, thu gom phế thải hoặc làm giúp việc theo giờ cho những người chủ khác trong khu chung cư. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến mâu thuẫn giữa chủ nhà và người giúp việc.

Mâu thuẫn và giải quyết mâu thuẫn giữa Chủ nhà và người giúp việc

Thu nhập cao là một trong những yếu tố quyết định người giúp việc chấp nhận giải quyết mâu thuẫn theo hướng “cho qua” để tiếp tục công việc. Có 13/15 người giúp việc cho rằng, họ xảy ra mâu thuẫn với chủ nhà nhưng ở những mức độ khác nhau. Mâu thuẫn thể hiện qua lời nói chiếm 5/15 người trả lời phỏng vấn. Họ cảm thấy bị xúc phạm qua lời nói của chủ: “ Người thành phố sống khác còn ở quê sống khác. Thí dụ mình không hiểu chuyện gia đình họ, làm không đúng theo ý họ thì họ nói mình là không phải, đằng này họ nói với tui “đầu óc của chị để kiếp sau đi ” (MPV13). Thông thường, những lời lẽ không dễ nghe vào lúc nóng giận vẫn thường xảy ra giữa những thành viên sống trong cùng gia đình. Cho nên giữa chủ nhà và người giúp việc thường xuất hiện mâu thuẫn là điều dễ hiểu, nhất là vào giai đoạn đầu mới thuê người GVGĐ khi giữa họ vẫn chưa hiểu nhau.

Có 3/15 người được phỏng vấn cho rằng họ bị kiểm soát bởi chủ nhà vào những ngày đầu khi làm việc. Ngoài ra còn những lý do khác như về quê nhiều, ra ngoài nhiều khi làm việc, hay mâu thuẫn từ những thành viên sống trong gia đình chủ nhà. Tuy vậy, theo thời gian những mâu thuẫn có thể bớt đi hoặc được giải quyết theo chiều hướng tích cực (từ phía chủ nhà hoặc từ phía người giúp việc). Khi ngại sự thay đổi, người giúp việc bắt buộc chủ nhà phải xin lỗi nếu có lời lẽ xúc phạm.

Có những lúc người giúp việc lo lắng chuyện gia đình của họ ở quê nên họ bất cẩn trong việc trông trẻ. Người chủ sẵn sàng cho qua những lỗi của người giúp việc vì họ ngại thay đổi người giúp việc sẽ làm xáo trộn cuộc sống gia đình họ, nhất là con cái họ. Nhóm người giúp việc trong nhóm đối tượng này sẽ quyết định ở lại lâu dài với chủ nhà trong khi nhóm còn lại sẽ thay đổi chủ khác. Mâu thuẫn nhỏ hằng ngày xuất phát từ việc hài lòng hay không hài lòng từ gia đình thuê người giúp việc. Mâu thuẫn được giải quyết từ hai bên, phần lớn người giúp việc sẽ im lặng và người chủ nhà sẽ chấp nhận với mâu thuẫn đó hoặc đổi người giúp việc. “ Giờ thấy chủ cần mình chứ mình hông cần chủ ” (MPV11). Người giúp việc biết được nhu cầu việc làm này là cao, và họ dễ dàng tìm một người chủ mới nếu mâu thuẫn không được giải quyết hoặc mức lương không thỏa đáng với họ. Họ tự xoay sở tốt trong việc tìm một nơi làm mới thông qua người giúp việc khác hoặc mạng lưới xã hội mà họ thiết lập được trong thời gian họ lên sống ở thành phố.

Xây dựng các mối quan hệ xã hội của người GVGĐ

Đời sống tinh thần của nhóm đối tượng nghiên cứu rất nghèo nàn, người được phỏng vấn không có tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí mà không có chủ nhà đi cùng. Có 13/15 người nữ GVGĐ cho rằng họ thiếu thốn về đời sống tinh thần, điều này cho thấy họ mong được gặp những người giúp việc khác trong khu vực họ đang làm việc (chiếm 10/15 nữ GVGĐ). “ Tới giờ là phải đi, không gặp được thì buồn chết, ra nói chuyện cho qua ngày để làm tốt việc ” (MPV8). Tâm lý của người chủ nhà cũng không muốn người GVGĐ đi chơi khi họ phải ở nhà lo hết những phần việc thay vì người giúp việc phải làm. Do đó, phần lớn người giúp việc chỉ đi ra ngoài ăn uống, vui chơi khi có chủ nhà của họ đi cùng (chiếm 6/15 nữ GVGĐ). Trong trường hợp những chủ gia đình có con nhỏ thì người giúp việc được đi chơi cùng gia đình và giúp trông coi con cái họ. Còn lại 9/15 nữ GVGĐ không được tham gia đi ăn hoặc đi chơi bên ngoài cùng gia đình chủ nhà. Khó khăn về đời sống tinh thần đòi hỏi họ phải tìm thấy niềm vui từ công việc, từ nơi họ ở hoặc những người đồng cảnh ngộ (người giúp việc xung quanh hoặc những người cùng sống trong không gian cư trú).

Chung cư là nơi thể hiện rõ mối quan hệ cùng cấp hoặc xuyên giai cấp. Quan sát qua biểu đồ thời gian, thời điểm diễn ra sự kết nối các đối tượng sống cùng chung cư nhiều nhất là vào buổi chiều, sau 16 giờ và trước 20 giờ, kế đến là buổi sáng sau 5 giờ và trước 8 giờ. Chủ yếu họ gặp nhau khi chủ nhà hoặc người giúp việc cho con cháu ăn uống dưới sân. Thời gian gặp mặt này ít thấy hơn đối với nữ GVGĐ ở khu dân cư, có chăng là những người giúp việc hẹn ra công viên tập thể dục hoặc trò chuyện cùng nhau. Trong khu dân cư, mối quan hệ xuyên giai cấp giữa chủ nhà và người GVGĐ không thấy rõ.

Khi xét các mối quan hệ đồng cấp (giữa những người GVGĐ với nhau) cho thấy, có 9/15 người phỏng vấn cho rằng họ gặp và trò chuyện với những người giúp việc khác vào những lúc tập thể dục hoặc chăm trẻ em. Còn 7/15 người phỏng vấn cho rằng, họ gặp và trò chuyện với những người chủ nhà khác. Điều này hình thành nên các mối quan hệ xuyên giai cấp giữa GVGĐ và chủ nhà khác cùng sống trong khu. Tuy nhiên, các mối quan hệ xã hội này dễ được hình thành trong môi trường sống khu chung cư hơn là môi trường bên ngoài. Có thể xem đây là kênh giải tỏa những căng thẳng của nhóm người giúp việc vào những lúc mâu thuẫn với chủ, hoặc khi gia đình họ ở quê có chuyện hay chỉ đơn giản là nhu cầu muốn gặp và trò chuyện.

Về nguồn giới thiệu công việc, theo Figure 2 , có 8/15 người phỏng vấn cho rằng công việc họ đang làm hiện tại là do mạng lưới GVGĐ cung cấp; 3/15 người phỏng vấn có việc là từ chủ nhà khác giới thiệu, còn lại là nguồn thông tin từ người quen; đồng hương giới thiệu 3/15 người và chỉ có 1/15 nữ GVGĐ được Trung tâm GTVL cung cấp thông tin việc làm.

Figure 2 . Nguồn thông tin giới thiệu công việc cho nữ GVGĐ trong nghiên cứu.

Cuộc sống xa gia đình đối với người GVGĐ rất buồn, những khi gặp nhau họ hay trò chuyện về gia đình, công việc cũng như so sánh mức lương với nhau. Những cuộc gặp gỡ lặp đi lặp lại vào những thời điểm nhất định tại khu vực chung cư hoặc công viên của nhóm nữ giúp việc với nhau, giữa nữ giúp việc với những người chủ nhà khác hoặc giữa họ với những người dân nhập cư khác (bán hàng rong, sửa chữa quần áo). Giữa họ tạo nên mối quan hệ xuyên giai cấp hoặc đồng giai cấp. Những người đồng cấp biết nhau rất rõ về công việc, mức lương, những khó khăn trong cuộc sống, những trăn trở về gia đình và thậm chí họ chăm sóc với nhau khi bị bệnh. Có thể nhìn nhận đây là một kênh đời sống tinh thần rất quan trọng của nhóm GVGĐ.

Biết và thi hành LLĐ của nữ GVGĐ

Biết và thi hành LLĐ theo Điều 179 đến Điều 183 của Bộ LLĐ năm 2012 là rất cần thiết để bảo vệ quyền lao động của nữ GVGĐ. Tuy nhiên, chỉ có 4/15 người phỏng vấn có nghe nói đến Luật giành cho người GVGĐ, nhưng có đến 10/15 người phỏng vấn không muốn ký hợp đồng làm việc. “... nếu kí hợp đồng khi mình làm sai này kia thì không được nên thôi em nghĩ hiện tại là tốt hơn, tại cái gì dính vào hợp đồng là cái đó lại khó cho mình hơn” (MPV11). Trong khảo sát, có người phỏng vấn đã từng ký hợp đồng nhưng bây giờ họ không thích ký hợp đồng tiếp vì theo họ mất tự do vì phải tuân theo các điều khoản luật. “ Khi ở với bà chủ bên Phú Nhuận là 3 năm đó không được về, giống như kiểu đi ở nước ngoài á, người ta giao công việc thế nào làm thế đó chứ không có tự do (...) Bây giờ cô không thích ký hợp đồng nữa ” (MPV5). Kết quả khảo sát cho thấy, không có nữ GVGĐ nào ký hợp đồng trước khi làm việc với các điều khoản như trong LLĐ. Hợp đồng chính thức của họ là hợp đồng miệng, tự thỏa thuận với chủ nhà, điều khoản được quan tâm nói trước với nhau khi bắt đầu làm việc là mức lương. Thỏa thuận bằng miệng là phương thức phổ biến hiện nay cho người chủ nhà lẫn người GVGĐ. Điều đó cũng có nghĩa họ không được hưởng lợi từ bảo hiểm, mức thưởng, thời gian tăng lương, hay các điều khoản khác trong luật GVGĐ để bảo vệ quyền lợi và đòi hỏi nghĩa vụ thực hiện từ nhóm đối tượng này. Tuy vậy, đổi lại họ được tự do trong việc thay đổi chủ nếu không phù hợp và tự do nghỉ làm khi cần giải quyết những biến cố trong cuộc sống.

Hoạch định kế hoạch tương lai của nữ GVGĐ tại quận ven Bình Tân

Gia đình luôn là nguồn cội cho hoạch định kế hoạch tương lai của nhóm nữ GVGĐ tại quận ven Bình Tân. Đối với họ, điều quan trọng của cuộc sống không phải những kế hoạch nâng cao tay nghề, mà là kế hoạch trở về quê sống bên gia đình. “Bao giờ mần xong thì mình nghỉ về quê mua bán để dưỡng già” (MPV11). Kết quả phỏng vấn cho thấy, họ không quan tâm đến vấn đề nâng cao năng lực nghề nghiệp cho công việc họ đang làm.

Những đối tượng GVGĐ trong khu vực này đa phần là lớn tuổi (11/15 người) ít nhiều họ cũng biết nấu ăn hoặc chăm sóc em bé theo kinh nghiệm chăm sóc con cháu. Do vậy, vấn đề nâng cao tay nghề để bước sang một thị trường công việc khác là điều họ không mong muốn. Họ thấy hài lòng với khả năng hiện tại khi gia đình chủ nhà không có phàn nàn. “ Khi vào đây làm mình tự nấu tự biên tự diễn, mà nấu cái gì chủ cũng kêu ngon, chủ ăn hết tại vì chủ cũng là người miền Trung như mình nên thích khẩu vị mình nấu (MPV14). Người phụ nữ Việt Nam thường giữ vai trò chính trong việc chăm sóc cho gia đình. Vai trò ấy được phát huy trong công việc GVGĐ khi họ thực hiện di dân. Qua quá trình đó, họ đã tham gia vào công việc GVGĐ để tạo thu nhập cho gia đình và công việc ấy gắn với đức tính sẵn có của phụ nữ Việt Nam. Nữ GVGĐ biết phát huy thế mạnh của mình trong chăm sóc gia đình chủ nhà (như nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, chăm sóc trẻ con ...).

Có 13/15 người trả lời phỏng vấn cho rằng họ sẽ trở về quê nếu như không còn tiếp tục được thuê làm công việc GVGĐ. Số còn lại thì chưa có kế hoạch gì cho tương lai. “Cũng hông có kế hoạch gì cho tương lai, giờ mình nghĩ như cái cọng lục bình nó tấp ở đâu thì nằm ở đó” (MPV14). Những người có quyết định sẽ trở về quê phần lớn không muốn trở lại công việc làm nông nghiệp. Đối với họ, công việc GVGĐ hiện tại là không cố định thời gian, nhưng công việc này được cho là nhàn hơn so với việc làm nông khi họ còn ở quê. “Bây giờ cô lên đây là cô hông có dãi nắng dầm mưa, ở quê tới mùa là cô phải đi ra ruộng“ . Có 12/15 người được phỏng vấn làm nông nghiệp trước khi bắt đầu công việc GVGĐ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì chỉ còn 1/12 người trong số này còn ý định sẽ tiếp tục công việc làm nông khi họ trở về quê. Còn lại họ quyết định trở về quê với các định hướng như: mở tiệm tạp hóa hoặc buôn bán (5/12 người), nghỉ ngơi tuổi già (3/12 người), lấy chồng và làm việc trong khu công nghiệp gần nhà (2/12 người); và không xác định công việc trong tương lai là 1/12 người. Điều đó cho thấy, dự định tương lai của họ gắn bó với quê nhà, nơi họ đã quyết định di dân để kiếm thêm thu nhập nhưng lại không gắn bó với nghề nông, công việc mà họ vẫn làm khi chưa di chuyển đến TP.HCM.

Kết luận

Khu vực ven đô Bình Tân là nơi hài hòa giữa ba nhóm dân cư. Một nhóm nữ nhập cư đến từ các vùng nông thôn cần tìm việc làm, họ chọn công việc GVGĐ vì họ cho rằng công việc này phù hợp với khả năng và kinh nghiệm chăm sóc gia đình của họ. Ngoài ra, đây là công việc cho mức thu nhập khá so với tình hình thu nhập chung của dân nhập cư. Nữ GVGĐ trong kết quả khảo sát thể hiện tính tự lập của họ trong vai trò tạo ra thu nhập, giải quyết mâu thuẫn, tạo lập các mối quan hệ xã hội và hoạch định kế hoạch cho tương lai của họ.

Tính tự lập thể hiện rõ nhất trong việc giải quyết những mâu thuẫn xảy ra với chủ. Do đặc thù của nhóm nữ GVGĐ ở lại gia đình chủ nên mâu thuẫn xảy ra là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, vì mục tiêu lớn lao trước mắt là kiếm thu nhập để lo cho chồng và con nên họ chọn giải pháp im lặng, không tranh cãi dù họ là người có lỗi hay không có lỗi. Có thể nhận thấy trong kết quả khảo sát nữ GVGĐ là người lo nguồn sống cho gia đình họ ở quê. Họ lo cho con, rồi đến cháu thậm chí cả người chồng mất sức lao động hoặc rượu chè không đi làm. Vai trò của nữ GVGĐ là quan trọng trong gia đình họ, chính điều này tạo nên gánh nặng trên đôi vai của họ. Những lo lắng cho gia đình phần nào làm cho họ không thể tập trung toàn tâm vào công việc mà họ đang đảm nhiệm ở gia đình chủ, nên ít nhiều họ cũng gây ra những sơ xuất hay mâu thuẫn đối với chủ của họ.

Những buồn vui trong công việc và những nỗi niềm từ gia đình đã tạo nên nhu cầu được chia sẻ của nhóm nữ GVGĐ. Môi trường tụ tập trong khoản không gian chung của khu vực chung cư, hay công viên vào những giờ nhất định trong ngày đã tạo điều kiên cho nhóm nữ GVGĐ tạo lập và xây dựng các mối quan hệ xã hội. Mối quan hệ xã hội này tại hai nhóm nữ GVGĐ của hai khu vực là khác nhau. Nhìn chung, quan hệ xã hội đồng cấp và xuyên giai cấp thể hiện rõ hơn ở nhóm nữ GVGĐ tại khu vực chung cư vì có nhiều khoảng thời gian chung và không gian để họ tụ tập trò chuyện. Ngược lại nhóm nữ GVGĐ ở khu vực dân cư, họ phải tự hẹn gặp nhau trong những công viên gần nơi họ sinh sống. Các mối quan hệ xã hội này có thể được xem là “món ăn tinh thần“ của nữ GVGĐ, và là nguồn cung cấp công việc cũng như giải tỏa những nỗi lo về gia đình hay thậm chí là chăm sóc nhau trong những lúc ốm đau.

Luật giành cho người GVGĐ đã được cụ thể hóa tại một số điều luật của LLĐ Việt Nam. Tuy nhiên Luật vẫn còn mới mẻ đối với nhóm lao động GVGĐ vì phần lớn họ đến từ khu vực nông thôn. Công việc GVGĐ họ đang làm được giới thiệu từ những người giúp việc khác hay từ người thân. Thỏa thuận miệng được cả hai bên lựa chọn (chủ và người giúp việc), vì đối với người giúp việc, hợp đồng bằng giấy với những điều khoản tạo ra ràng buộc và mất tự do. Điều này càng gây trở ngại cho việc quản lý nhóm lao động GVGĐ, cũng như việc bảo vệ quyền lợi cho họ.

Nữ GVGĐ trong kết quả khảo sát đa phần là những người lớn tuổi, do đó việc hoạch định kế hoạch tương lai không phải là đào tạo nâng cao tay nghề hay mong muốn tiếp cận với một công việc mới. Họ trung thành với công việc hiện tại bằng kinh nghiệm chăm sóc gia đình mà họ có. Dự định tương lai của họ là trở về quê sống bên gia đình và người thân nếu như không còn làm công việc GVGĐ nữa.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

VHLSS : Điều tra về Nhà ở và mức sống hộ gia đình

LĐTBXH : Lao động – Thương binh và Xã hội

MPV : Mẫu phỏng vấn

GTV : Giới thiệu việc làm

GVGĐ : Giúp việc gia đình

TP.HCM : Thành phố Hồ Chí Minh

LLĐ : Luật Lao động

CFCD : Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết không có xung đột lợi ích.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Ngô Thị Thu Trang: Thu thập thông tin sơ cấp; Viết nội dung: Mở đầu, đại bàn nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu.

Châu Thị Thu Thủy: Viết nội dung Quan điểm tiếp cận tính tự lập của nữ GVGĐ tại quận ven Bình Tân; Kết quả nghiên cứu và Thảo luận; Kết luận, Tổng hợp, liên hệ gởi và chỉnh sửa bài báo.

References

  1. Mai Vinh, Bình Thanh, Nghề giúp việc nhà: tuyển cũng khó, tìm việc cũng khó, Báo Tuổi trẻ đăng ngày. . 25/10/2011;:. Google Scholar
  2. Nguyễn Thị Hòa, Lao động nữ di cư giúp việc nhà từ đồng bằng sông Cửu Long tới TP.HCM, Viện Khoa học Xã hội Nam Bộ (VNH3.TB6.693). . 2008;:. Google Scholar
  3. Tâm Đỗ Thị Như. May nhờ rủi chịu người giúp việc nhà tại TP.HCM, Nhà xuất bản Trẻ. . ;:-1999. Google Scholar
  4. Bảy Nguyễn. Nghề giúp việc - nhu cầu đột biến, Báo Tuổi trẻ đăng ngày. . 16/04/2003;:. Google Scholar
  5. Thương Võ Nguyệt. Buồn vui nghề giúp việc gia đình, Báo Pháp luật; chuyên đề tháng. . 3/2004;:. Google Scholar
  6. Diệp Hoàng. Kinh doanh Oshin, Báo Tuổi trẻ Chủ nhật, số 12/2005 , ra ngày 27/03/2005. . ;:. Google Scholar
  7. Trang N. T. T.. Periurbanisation et Modernite à Ho Chi Minh-Ville. Etude du cas de I'arrondissement Binh Tan, Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Địa lý và Quy hoạch lãnh thổ, Đại học Pau và vùng Adour. . 2014;:. Google Scholar
  8. Terry M.. The emergence of Desakota regions in Asia: Expanding a hypothesis. The extended metropolis: Settlement transition in Asia. 1991;:3-25. Google Scholar
  9. Daniel L.. Facing the urban trasition, Centre - Urbanisation Culture Societe. . 2010;:. Google Scholar
  10. Pierre B., Richardson J.. The forms of capital. Handbook of Theory and Research for the Sociology of Education. 1986;:241-58. Google Scholar
  11. Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Lao động, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia. . 2012;:. Google Scholar
  12. Oxfam GFCD, Rosa Luxemburg Stiftung, Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu Giá trị Kinh tế của lao động giúp việc gia đình đối với gia đình và xã hội. . 2014;:. Google Scholar
  13. Hà Đào Bích. Hiện trạng công việc và đời sống Nữ nhập cư làm giúp việc nhà tại TP.HCM, Tạp chí Xã hội học. . số 2 - 2009;:. Google Scholar
  14. Trang Ngô Thị Thu, Thủy Châu Thị Thu, Thi Hồ Kim, Long Ngô Hoàng Đại. Năng lực thích ứng sinh kế dân nhập cư Khmer tại Quận ven Bình Tân. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. 2016;:89-103. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 2 (2019)
Page No.: 79-88
Published: Dec 19, 2019
Section: Research Article - Social Sciences
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i2.515

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, N., & Thuy, C. (2019). Independence of the maid in Binh Tan District, Ho Chi Minh City. VNUHCM Journal of Social Sciences and Humanities, 3(2), 79-88. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjssh.v3i2.515

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 861 times
View Article   = 0 times
Download PDF   = 291 times
Total   = 291 times